THƯ GỬI THẦY
(Tưởng niệm lễ Húy kỵ lần thứ nhất của Ân sư – Ni trưởng thượng Như hạ Ngộ)
“Ơn truyền trao hôm nào đang còn đó
Nghĩa Thầy trò muôn một vẫn còn đây”.
Chiếc đồng hồ nhỏ vẫn thanh thản gõ nhịp tích tắc, như nhịp tim duy trì sự sống trong lồng ngực, thế mà một giây trôi qua, một phút trôi qua, một giờ trôi qua, một ngày trôi qua, một tháng trôi qua, và một năm nữa lại trôi qua. Con trở về Thiên Phước dự lễ kỷ niệm húy kỵ lần thứ nhất của Thầy. Chùa vẫn uy nghi như ngày nào Thầy vẫn thấy, nhưng mùa này mai tứ quý nở rộ dọc con đường từ ngoài giảng đường vào đến tịnh thất của Thầy, những đóa hoa màu vàng, màu đỏ nổi bật giữa những chiếc lá xanh mướt. Ngôi tịnh thất của Thầy vẫn không có gì thay đổi sau ba năm, chiếc giường với ra trải mới, chiếc bàn cũ kỹ, chiếc ghế mây, chiếc ghế nhựa, mỗi sáng mỗi chiều Thầy ngồi tụng kinh dường như vẫn lặng lẽ đợi chủ trở về. Trên tường vẫn treo bức hình chân dung chụp khi Thầy bảy mấy tuổi, một bức hình Thầy ngồi trên thềm đá, tay chống gậy và nụ cười hoan hỷ nở trên môi, chiếc đồng hồ cũ kỹ treo tường để Thầy xem giờ vẫn miệt mài gõ nhịp, tiếng niệm Phật từ chiếc máy vẫn phát ra đều đặn… Con đặt hành lý xuống, cảm giác bình an vẫn như ngày nào về thăm Thầy, xua tan cảm giác mệt mỏi của chặng đường dài.
Bức di ảnh thật lớn của Thầy được đặt trên bàn với nụ cười thật hiền hòa, ánh mắt thật đầm ấm nhìn con như nhắc nhở Thầy đã đi thật xa, thật xa rồi. Nhưng với con, dường như Thầy chỉ đi đâu đó ra ngoài lớp học, đi xuống nhà bếp, đi ra giảng đường… rồi Thầy sẽ trở lại phòng sớm thôi. Con ngồi đây đợi Thầy, đợi Thầy vào để kể cho Thầy nghe chuyện tu chuyện học của con như ngày nào. Con đợi mãi, đợi mãi, vẫn không thấy Thầy đâu, thôi thì con viết thư cho Thầy vậy, lúc nào về Thầy sẽ đọc.
Kính bạch Thầy!
Thầy còn nhớ những năm chúng con còn đi học, mỗi dịp tết hoặc ra hạ được trở về đảnh lễ Thầy, chúng con quây quần bên Thầy, được Thầy đãi ăn đủ thứ bánh trái. Chúng con kể cho Thầy nghe đủ chuyện trong đời sống tu học ở chốn đô thành đèn hoa rực rỡ…Thầy hoan hỷ lắng nghe và khen ngợi, khuyến khích khi trò nào có kết quả học tập tốt. Việc sau cùng là chúng con xòe bàn tay ra năn nỉ Thầy xem một quẻ cho tương lai, Thầy cười bảo: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt” (nghĩa là, nếu mình có cái tâm tốt mà mình chưa có tướng tốt hoặc hoàn cảnh tốt, thì tướng tốt và hoàn cảnh tốt sẽ từ tâm tốt của mình mà hình thành. Nếu mình có tướng tốt hay hoàn cảnh tốt mà không có cái tâm tốt thì tướng tốt và hoàn cảnh tốt đó trước sau gì cũng mất theo cái tâm không tốt đó). Thầy dạy, mình tu giỏi thì mình tự biết được tương lai của mình mà không cần ai xem, thầy bói khó xem được tương lai của người tu lắm, vì mình tu là chuyển nghiệp mà. Tuy nói vậy, Thầy cũng cầm tay chúng con, giải thích những đường lằn trên đó và khuyến khích chuyển hóa tâm để tướng mình ngày càng tươi đẹp ra. Tâm hoan hỷ, từ bi, không giận hờn, hơn thua, thì gương mặt sẽ hoan hỷ, tươi tắn, thân thiện, ai nhìn thấy cũng cảm mến…Đó là tu, đó là con đường chuyển hóa thân tâm của mình.
“Mấy đứa con còn nhỏ phải siêng học, siêng tu, siêng công quả, không ai vô phước bằng người làm biếng, phải phước huệ song tu mới thành Phật được”. “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu như ăn bánh vẽ trên giấy, không bao giờ no được”. “Hạt cơm của tín thí, nặng hơn núi Tu Di, ăn rồi không tu hành, mang lông đội sừng trả”. “Phải chân tu thật học sau này làm thầy, làm giảng sư, làm pháp sư mà đền ơn thầy tổ, ơn đàn na tín thí”. “Tiền tài biết đủ thân không nhục, danh lợi đừng ham đức mới cao”. “Phải biết kính trên nhường dưới, huynh đệ phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh chị em một nhà”… Những lời dạy của Thầy luôn đơn giản, dễ hiểu như thế chứ không dài dòng, chương mục, cao siêu như bài học ở trường của chúng con, và đó là những lời dạy để thực hành, để ứng dụng ngay trong đời sống hằng ngày chứ không phải để đem ra lý luận, phân tích, giảng giải. Với bản thân con, những lời dạy của Thầy là nền tảng, là bước khởi đầu vững chắc cho con đường tu học, thành tựu phước trí, thành tựu giải thoát, an vui trong đời sống này và tương lai.
Kính bạch Thầy! Nhiều khi nhìn lại bản thân, nhìn lại những huynh đệ đồng tu xung quanh, con có cảm giác như thế hệ chúng con học nhiều quá, học cao quá cho nên bị “mất căn bản” hay sao đó. Vì vậy, chúng con không nói những lời như Thầy dạy, không làm những điều như Thầy dạy, những điều như Thầy làm, mà chúng con chỉ nói những điều mà chúng con không làm được và làm những điều không như Thầy dạy, không như ở trường đã dạy. Vậy thì quá mất căn bản phải không bạch Thầy. Cũng vì vậy mà đời sống của chúng con, của những huynh đệ xung quanh không còn bình yên, giản dị, thảnh thơi như thế hệ của Thầy, của quý đại sư huynh của chúng con.
Thầy biết không, bây giờ đến lúc tập tành đứng trên bục giảng, được đi nhiều nơi, đến những trường Phật học, con mới nhận ra Thầy là một nhà giáo dục vĩ đại, dù Thầy ít khi đứng trên bục giảng. Bởi từ tâm lượng luôn nghĩ về đàn hậu tấn, luôn muốn đào tạo tăng tài, đào tạo những tu sĩ chân tu thật học, nên Thầy đã tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất để những vị giáo thọ dạy tốt, những học trò tu học tốt.
Con biết trước khi mở trường, chùa mình tụng kinh nhiều lắm, nhưng từ khi học trò trở về tu học, Thầy chỉ cho tụng hai thời công phu sớm tối để thời gian cho chúng học bài. Ngoài công tác chúng, và mỗi năm làm hai mùa lúa (năm 1992 mở khóa học đầu tiên, chùa mình đến 125 học trò đến học, lúc đó kinh tế khó khăn, Thầy nói nếu mình không làm ruộng thì chính quyền sẽ làm khó mình về mặt kinh phí, cho nên Thầy khuyên đại chúng rán phụ Thầy làm ruộng), Thầy ít khi để đại chúng làm việc gì ảnh hưởng đến việc tu học. Con nhớ có lần phái đoàn Phật tử từ thành phố Hồ Chí Minh xuống thăm và cúng dường trường, họ thấy chúng con ở trong những căn phòng trên lợp lá dừa, vách cũng lá dừa, nền đất đầy bụi xổm lên. Quý Phật tử xin Thầy cho họ cúng gạch lót nền để quý cô ở cho sạch sẽ. Thầy nói, muốn làm thì đợi khi quý cô nghỉ hè hoặc nghỉ tết rồi xuống làm chứ giờ đang học, bày ra làm ảnh hưởng giờ giấc tu học của quý cô. Nhiều người đến xin Thầy mở phòng may, phòng phát hành để có thêm thu nhập nuôi chúng, Thầy đều từ chối. Thầy nói để chúng con yên tu, ‘đức chúng như hải’, mỗi người đến đây đều đem theo phước của họ đến, chứ đâu phải mình phải nuôi họ mà lo thiếu, đệ tử Phật không ai bị đói cả, ‘có đức mặc sức mà ăn’. Trên thực tế chùa còn nhờ vào phước đức của đại chúng nữa đó, cho nên mình đừng nghĩ là mình lo cho họ.
Thầy dạy quý đại sư huynh trong ban chức sự của trường, chúng con là những người sơ cơ tu học cho nên phải có tâm từ bi, thường xuyên gần gũi, nhắc nhở mọi chuyện từ ăn, ngủ, tụng kinh, học tập. Vì vậy, tới giờ ăn, giờ ngủ, giờ tụng kinh, giờ học chung ngoài lớp học, thầy trưởng chúng và phó chúng luôn có mặt để đốc thúc nhắc nhở chúng con. Chúng con có muốn buông lung cũng không có cơ hội, giờ nào việc đó răm rắp. Tuy đôi khi chúng con cũng buồn phiền vì bị khiển trách, nhưng chính những nội quy thiết thực đó vô hình trung như một cái khuôn đẹp nắn ra những chiếc bánh thật xinh xắn, thật ngon. Chúng con cứ thế trưởng thành trong tình yêu thương, quan tâm của Thầy cùng quý đại sư huynh trong ban chức sự của trường.
Thầy biết không, thế hệ sau không được như chúng con, không phải chỉ trường mình, mà các trường Phật học nội trú cũng thế, phần đông học trò phải làm nhiều công tác của chùa, của trường, không còn thời gian để tiêu hóa bài vở, để yên tu. Quý vị giáo thọ cũng bận nhiều Phật sự của chùa, của Giáo hội nên cũng không đủ thời gian nghiên cứu, không còn thời gian ‘phản quan tự kỉ’ để trau dồi kiến thức, hoàn thiện nội tâm để truyền trao cho học trò. Thân giáo đã khiếm khuyết, khẩu giáo cũng không toàn vẹn. Từ đó, những phiền não tham, sân, si, hơn thua, … có cơ hội mặc nhiên hoành hành, những cám dỗ của danh lợi… mặc nhiên dẫn dắt… và đời tu của chúng con cũng tự nhiên như thế mà bất an, mà phiền muộn ngày càng nhiều hơn Thầy ạ.
Ai cũng muốn điều tốt đẹp cho mình và người khác, nhưng có một điều phi lý là ai cũng tạo nhân trái nghịch với quả cả thưa Thầy, còn Thầy thì lúc nào cũng tạo nhân, tạo điều kiện tốt cho chúng con, cho mọi người, và quả tốt tự nhiên nó đến. Ở Thầy, thân giáo đã toàn vẹn mà khẩu giáo cũng vẹn toàn, dù những lời Thầy dạy rất đơn sơ, rất giản dị, rất dễ hiểu.
Kính bạch Thầy! Thư con viết đã dài mà vẫn chưa thấy Thầy trở về thất. Và có lẽ những điều con kể ít nhiều sẽ khiến Thầy trăn trở bận tâm. Thôi thì con nói chuyện khác vậy.
Ngày mai là kỷ niệm lễ húy kỵ lần thứ nhất của Thầy rồi đó. Tuy vẫn đang chìm nổi giữa sóng trần lao xao đó, nhưng từ hôm qua cho đến sáng nay, hàng đệ tử cũng như học trò các khóa từng được sống trong tình thương yêu của Thầy, đã lần lượt trở về Thiên Phước. Những bình hoa tươi đẹp đã nở rộ từ trên chánh điện, trai đường, đến giác linh đường của Thầy. Sắc hoa tươi thắm, hương hoa thơm ngát. Khắp nơi trong khuôn viên chùa đều rộn lên tiếng nói cười, tiếng chào hỏi nhau, tiếng trao đổi công việc … của mọi người; tiếng chén bát, tiếng xắt gọt, tiếng xào nấu, mùi thức ăn thơm phức, những món ăn ngon đang được dọn lên… người đi tới, kẻ đi lui, trên môi ai cũng nở nụ cười. Bình dị đến thế, đời đến thế, nhưng tất cả những pháp trần lao xao đó đều được phát xuất từ một tấm chân tình cao cả hướng vọng về Thầy với niềm tri ân sâu sắc nhất, như những con sóng nhấp nhô khởi lên từ lòng biển tĩnh lặng muôn đời.
“Rất đổi đơn sơ, rất đậm đà
Tình Thầy như nước chảy phù sa
Nuôi con khôn lớn qua dòng pháp
Tình Thầy là tình Mẹ tình Cha”.
Ni viện Thiên Phước, ngày 30 tháng 8 năm Kỷ Hợi
Kính thư!
Đệ tử của Thầy