Sáng ngày 17 tháng 03 năm 2019(12/02/Kỷ hợi) tại chùa Kim Thọ, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã diễn ra lễ Hằng thuận cho hai Phật tử Trần Thanh Tùng pháp danh Thanh Hải và Phạm Thị Thúy Oanh pháp danh Như Mỹ Duyên. Hai Phật tử này sinh ra trong gia đình nhiều đời kính tin Tam Bảo, hộ trì Phật pháp..
Quang lâm chứng minh buổi lễ có HT. Thích Chơn Đạo- Giáo thọ trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An; Đại đức Thích Thiện Danh- Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; Đại đức Thích Hóa Minh- Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Thủ Thừa; Đại đức Thích An Thanh- Phó Ban thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Thủ Thừa cùng Chư tôn đức Tăng và cha mẹ của cô dâu chú rể , quang viên hai họ.
Sau phần nghi thức niêm hương bạch Phật , đảnh lễ Tam bảo đôi Tân Lang và Tân Nương được HT. Thích Chơn đạo giảng ý nghĩa về lễ Hằng Thuận cũng như ý nghĩa đôi nhẫn cưới. Tân Nương và Tân Lang trao nhẫn cưới cho nhau để thể hiện tình yêu thương nhau keo sơn. Tiếp theo Tân Lang và Tân Nương đã dâng trà và đảnh lễ tri ân cha mẹ hai bên. Thể hiện mối lương duyên bền chặc sắc son chung thủy vợ chồng Tân Lang và Tân Nương ký tên vào giấy chứng nhận hằng thuận với sự chứng minh của Chư tôn đức và quan viên hai họ.
Kết thúc buổi lễ HT. Thích Chơn Đạo có lời đạo từ khuyến tấn đôi bạn trẻ trong đời sống vợ chồng phải biết tương kính cha mẹ họ hàng hai bên, vợ chồng hòa thuận nhường nhịn lẫn nhau.
Lễ Hằng thuận bắt nguồn từ khi Đức Phật còn tại thế. Có một lần Đức Thế Tôn trở về thăm Vương thành Ca Tì La Vệ. Một ngày đặc biệt trong chuyến về lại cố hương của Đức Thế Tôn, gặp dịp cả kinh thành chuẩn bị làm lễ thành hôn cho Vương tử Mahanam, có thỉnh Đức Thế Tôn và Tăng đoàn vào hoàng cung chứng minh cho hôn lễ.
Và từ nhân duyên đó, Đức Thế Tôn dạy người làm chồng phải sống như thế nào để họ hàng nhà vợ tôn trọng, chấp nhận. Người chồng phải có trách nhiệm với họ hàng nhà vợ làm sao, trách nhiệm với vợ con trong tương lai như thế nào? Cũng như vậy, phận làm dâu đối với họ hàng nhà chồng và trách nhiệm đối với người chồng và những đứa con mình trong tương lai.
Đức Phật dạy, điều quan trọng nhất là hai người gặp nhau và chọn nhau làm bạn đời, có nghĩa là cả hai sẽ cùng đi bên nhau trọn đời; cùng đối diện với những nghiệp chướng của cuộc đời; cùng chia sẻ với nhau những gian khó trước những khúc quanh của đời người; cùng nâng đỡ nhau tạo thiện nghiệp, khuyên can nhau dứt trừ ác nghiệp và luôn tùy thuận với nhau để cùng tu tập. Mượn nhân duyên vợ chồng để đồng làm pháp lữ tạo thiện nghiệp. Vui cũng thuận, buồn cũng thuận. Thành công cũng thuận, thất bại cũng thuận. Giàu cũng thuận, nghèo kém cũng thuận.
Thế nên được gọi là lễ Hằng thuận nghĩa là, luôn thuận bên nhau suốt cả cuộc đời. Cho dù nắng hay mưa, hạnh phúc hay đau khổ.
Kể từ đó, trong Phật giáo mới tổ chức Lễ hằng thuận quy y.
Tin ảnh: Minh Trí