TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT PHÁP (1923-2014)
– Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
– Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An
– Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cần Giuộc
– Nguyên thành viên Ban Vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
– Nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
– Nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An nhiệm kỳ III, IV, V
– Nguyên Thành viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An nhiều nhiệm kỳ
– Viện chủ chùa Bồ Đề, ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
- Thân thế:
Hòa Thượng Thích Đạt Pháp, thế danh là Võ Văn Thượng, sinh năm Quý Hợi (1923) tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong gia đình có truyền thống nhiều đời kính tin Tam Bảo.
Thân phụ là cụ ông Võ Văn Đâu, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Quế. Hòa Thượng là anh cả trong gia đình có bốn anh chị em (1 trai 3 gái). Năm lên 11 và 12 tuổi, liên tiếp 2 năm, Ngài lần lượt mất đi thân phụ và thân mẫu. Người anh cả phải bảo bọc 3 cô em gái khi tuổi còn bé, được hai bên nội ngoại yêu quý dưỡng nuôi. Vốn thông minh, trí sáng và siêng năng; Ngài đã đạt cấp bằng tú tài I, điều hiếm có của tuổi trẻ thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Ngài cũng đến chùa học chữ Hán và học nghề thợ mộc để có điều kiện chăm sóc các em.
- Thời kỳ xuất gia tu học:
Duyên Bồ đề nhiều kiếp đã gieo, Ngài thường theo ông bà đến chùa lễ Phật nhân các ngày lễ hội truyền thống Phật giáo và Dân tộc. Ngài thường đọc tạp chí Từ Bi Âm để tìm hiểu Phật pháp. Nhờ nhân duyên này, Ngài càng hiểu rõ chân lý Phật dạy, giác ngộ cuộc đời vô thường. Từ đó, Ngài thường xuyên đến chùa Tôn Thạnh công quả, tụng kinh bái sám. Duyên lành hội đủ, năm 23 tuổi (Ất Dậu 1945), Ngài được Tổ Liễu Thiền, trụ trì chùa Tôn Thạnh, tiếp độ xuất gia, pháp danh là Tánh Vân, pháp hiệu là Đạt Pháp. Sau khi xuất gia, Ngài càng tinh tấn hơn, được Hòa thượng Bổn Sư ân cần hướng dẫn học kinh luật, thực hành các thời khóa công phu miên mật.
Năm Mậu Tý (1948), Hòa thượng đăng đàn thọ giới Sa-di tại chùa Tôn Thạnh. Sau khi đắc giới thể, vì muốn mở rộng tầm hiểu biết, Hòa thượng xin vào học khóa thứ nhất Phật học đường Lục Hòa Tăng, tại chùa Thiên Phước, phường Cầu Kho, quận Nhất, Sài Gòn. Tại đây, Hòa thượng được đề cử làm Quản chúng, chăm lo cho 30 vị học tăng suốt thời gian 6 năm; đồng thời học thêm nghề Đông y để trị bệnh giúp đời, lại học nghề viết báo để hoằng pháp lợi sanh.
Năm Nhâm Thìn (1952), Hòa thượng đăng đàn thọ giới Cụ túc lúc vừa tròn 30 tuổi.
- Thời kỳ hành đạo:
Với công hạnh “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, Hòa thượng trụ trì 4 ngôi chùa.
Năm 1955, khi Phật học đường Lục Hòa Tăng tạm ngưng, Ngài được mời về trụ trì chùa Phước Hòa (Sài Gòn). Đây là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Ngài được thỉnh làm cố vấn giáo hạnh cho gia đình Phật tử Chánh Đạo do cư sĩ Tống Hồ Cầm làm huynh trưởng. Thời gian này, Ngài tiếp tục dự Lớp giáo lý tại chùa Ấn Quang và Khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội (Sài Gòn).
Thời gian này, ban ngày Hòa thượng vừa lo Phật sự tại bổn tự vừa phụ trách phòng thuốc từ thiện của chùa, khám trị bệnh cho đồng bào; ban đêm Ngài đi học thêm nhiều ngoại ngữ.
Giữa năm 1957, tròn 35 tuổi, Ngài cùng Ban Quản Trị Hội Phật Học Nam Việt xây dựng chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Sài Gòn và là vị trụ trì chùa Xá Lợi đầu tiên trong 10 năm (từ năm 1957 đến 1967) kiêm cố vấn giáo hạnh Gia đình Phật tử Chánh Đạo. Tại đây, Ngài đã học thạo 2 ngoại ngữ Anh văn và Hoa văn. Nhờ vậy, Hòa thượng thường xuyên được cùng Chư Tôn đức tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế sang thăm Việt Nam. Nhất là, Ngài trực tiếp đưa đón Đại đức Narada cùng phái đoàn Phật giáo Tích Lan đến thăm Việt Nam.
Năm 1967, Hòa thượng 45 tuổi, được Hội Phật Học Nam Việt ủng hộ đã xuất dương du học tại các nước Thái Lan, Ấn Độ, Tích Lan. Ngài học thêm cổ ngữ Sanskrit và Pali. Do đó, kiến thức về nội điển của Ngài càng thêm uyên bác. Cuối năm 1970, Ngài hồi hương về Việt Nam.
Năm 1971, Ngài là thành viên Ban sáng lập Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo quán, giữ chức vụ Trị sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp và Ủy viên Tăng sự. Văn phòng đặt tại chùa Pháp Hội (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngài được mời giảng dạy giáo lý và Anh văn, Hoa văn cho rất nhiều Tăng Ni, Phật tử xa gần về tham học.
Năm 1971- 1972, Ngài trụ trì chùa Thiên Ân, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Năm 1974, Ngài được chư Tôn đức trong Thiên Thai Giáo Quán Tông mời về trụ trì Tổ đình Bồ Đề cho đến ngày viên tịch.
Khi đất nước hòa bình năm 1975, nhận lời mời của Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng tham gia nhập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo toàn quốc.
Tháng 11 năm 1981, với cương vị là Tông trưởng Thiên Thai Giáo Quán Tông, Ngài làm trưởng đoàn đại biểu Hệ phái Thiên Thai dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Ngài đại diện Thiên Thai Giáo Quán Tông ký vào Văn kiện thống nhất Phật giáo toàn quốc, thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Cùng năm này (1981), tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc, Ngài được cử là Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tại tỉnh Long An, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ủy nhiệm Ngài vào Ban Trù bị vận động thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An.
Năm 1983, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An được thành lập, Ngài đảm nhiệm Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp tỉnh (nhiệm kỳ I) và tiếp tục được Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II (1987) suy cử là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Ngày 29 tháng 10 năm 1987, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng.
Năm 1987 đến năm 1990, Ngài tiếp tục là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN kiêm Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ II).
Năm 1990 đến năm 1993, Ngài tiếp tục là Ủy viên Hội Đồng Trị sự GHPGVN, được cung thỉnh cương vị Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ III), đề cử làm thành viên Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Long An.
Năm 1993 đến 1997, Ngài tiếp tục là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ IV), là thành viên Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Long An.
Năm 1997 đến 2002, Ngài tiếp tục là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ V), là thành viên Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Long An.
Năm 2002, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V, Ngài được suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Năm 2002, Hòa thượng đã 80 tuổi, vì tuổi cao sức yếu nên không tham gia hoạt động hành chánh Giáo hội, mà dành thời gian để tham thiền tịnh tu. Ngài được Tăng Ni tỉnh Long An cung thỉnh cương vị Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An cho đến ngày viên tịch.
Năm 2006, chân dung và hành trạng của Ngài được khắc họa qua chương trình Danh Tăng Long An với tựa đề “Dưới cội Bồ Đề” do Ban Văn hóa Phật giáo Long An kết hợp Đài phát thanh truyền hình Long An thực hiện và đã được đài Phát thanh truyền hình Long An công chiếu, Tăng Ni Phật tử và đồng bào rất hoan hỷ, quý kính.
Giới đức trang nghiêm, Ngài được cung thỉnh vào hàng Tam sư cho nhiều Đại giới Đàn trong và ngoài tỉnh Long An như: Đại giới đàn Minh Tánh (1996), Đại giới đàn Liễu Thiền (1999), Đại giới đàn Khánh Phước (2002), Đại giới đàn Chánh Tâm (2005), Đại giới đàn Pháp Lưu (2007), Đại giới đàn Viên Ngộ (2010), Đại giới đàn Thiện Nhu (2013).
Hòa thượng luôn miên mật hành trì tu tập trong các thời khóa công phu. Năm 1970, Ngài phát nguyện chép Kinh Di Đà và Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn cùng những lời vàng Phật dạy mà Ngài tâm đắc nhất bằng song ngữ Anh-Hoa văn để thọ trì hằng ngày với xâu chuỗi trên tay và bảo hiệu A Di Đà Phật. Hơn 40 năm, quyển Kinh dù đã theo thời gian ố vàng, nhạt nhòa, thậm chí có vài chỗ rách hỏng nhưng Ngài vẫn luôn trân trọng; chí tu học luôn vững bền, đạo lực của Ngài càng thăng hoa và tỏa sáng.
Suốt 70 năm xuất gia tu học, hành đạo, Hòa thượng đã dành trọn đời mình phụng sự Đạo Pháp – Dân Tộc. Ngài đã un đúc chí nguyện của bậc xuất trần thượng sĩ, thượng cầu Phật đạo; xuất dương du học nghiên tầm giáo điển uyên thâm, tham gia Giáo hội xuyên suốt từ khi đất nước còn trong thời kỳ chiến tranh đến khi hòa bình lập lại, luôn giữ tinh thần Bồ Tát Đạo hoằng pháp lợi sinh.
Ngài là bậc danh Tăng Việt Nam nói chung và bậc danh Tăng Long An của thế kỷ XX, XXI mà nhiều thế hệ Tăng Ni tỉnh nhà, từ các trường Phật học, các Đại giới đàn, các Phật tử gần xa hiện tại và mai sau đều được thấm nhuần ân giáo dưỡng của Ngài, hướng về đảnh lễ, noi gương.
- Thời kỳ viên tịch:
Duyên hóa độ viên mãn, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 17 giờ, ngày 21 tháng 8 năm 2014 (nhằm ngày 26 tháng 7 năm Giáp Ngọ), trụ thế 92 năm, hạ lạp 62 năm. Nhục thân của Ngài được nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Bồ Đề như để hằng gia hộ chúng đệ tử tinh tấn vun bồi đạo hạnh.
Một đóa sen vàng đã hóa thân
Về miền Cực Lạc trú pháp chân
Quê hương Cần Giuộc còn ghi đức
Long An Đất tổ mãi niệm ân.
NHẤT TÂM ĐẢNH LỄ TỪ THIÊN THAI GIÁO QUÁN TÔNG BỒ ĐỀ ĐƯỜNG THƯỢNG NHỊ THẬP NHỊ THẾ, HÚY TÁNH VÂN, THƯỢNG ĐẠT HẠ PHÁP TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.