TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH LIỄU LẠC (1878 – 1937)
Liễu pháp ứng cơ, nhập thế tùy duyên hóa độ
Lạc hỷ ngộ thời, nêu cao tôn hiệu phương danh
Pháp Phật nhiệm mầu, trang nghiêm giới trường tuyển Phật
Minh đức tựu thành, Tổ ấn tỏ rạng trùng quang.
Để tỏ lòng hậu thế kính ân, ngưỡng vọng công hạnh của Hòa thượng; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An trân trọng kính thỉnh tôn danh kiến lập Đại giới đàn Liễu Lạc Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023.
I. THÂN THẾ
Hòa thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình, pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc; sinh năm Kỷ Mão (1878), nay thuộc ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hòa thượng thuộc thế hệ thứ 19 dòng phái Ngọ Đình, đời thứ 21 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 49 tông Thiên Thai Giáo Quán, là đệ tử nối pháp của Tổ Nhiên Công Hiển Kỳ.
Hòa thượng được sinh ra trong gia đình phú nông, có truyền thống đạo đức. Thân phụ là cụ ông Trương Văn Thêm, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Em. Hòa thượng là người con út trong gia đình có 4 anh chị em. Bẩm tính nhu hòa, hiếu thuận, lại hiếu học, nên ngoài thời gian đến trường học chữ (Việt, Nho), Ngài thường lui tới nơi có tín ngưỡng tâm linh, chùa chiền, thánh thất, kính lễ Phật, Thánh; cảm hóa và hướng gia đình theo con đường lương thiện.
II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO MINH SƯ
Vào năm Canh Tuất (1910), báo hiếu song thân đã chu toàn, sắp xếp gia đình ổn định; Hòa thượng theo ý nguyện của mình, thực hiện ước mơ từ thời trai trẻ. Bấy giờ, Đại Trưởng lão Trần Quốc Lượng (tức Tổ Hiển Kỳ) từ Hương Cảng trở về thăm đồng đạo ở Việt Nam. Duyên lành đã đến, Hòa thượng đảnh lễ Đại Trưởng lão, xin xuất gia theo đạo Minh Sư tại Minh Đức Phật Đường, Cầu Kho, quận Nhất, Sài Gòn. Từ đó, Hòa thượng siêng năng học đạo, tu hành dần dần làm đến chức vị Đảnh hàng Lão sư, mọi người quý mến gọi là Ông lão Năm.
Mùa Xuân năm Tân Mùi (1931), hội đủ duyên lành Hòa thượng sang Ấn Độ, chiêm bái tứ động tâm (vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sanh; vườn Lộc Uyển, nơi Phật chuyển pháp luân; Bồ Đề Đạo tràng, nơi Phật thành đạo và Sa La song thọ, nơi Phật Niết-bàn). Sau chuyến đi ấy, niềm cảm mộ Phật môn thầm phát khởi trong tâm Hòa thượng.
III. QUY HƯỚNG PHẬT MÔN, CẦU GIỚI PHÁP
Năm Nhâm Tuất (1922), Dân Quốc thứ 11, tại Trung Quốc, trải qua mấy mươi năm tu tập đạo Minh Sư Tổ sư Hiển Kỳ quy hướng Phật Giáo. Tổ cải đổi Thuần Dương Cung, thành Thanh Sơn Thiền viện. Sau khi củng cố nội tự xong, Tổ biên thơ gởi về Việt Nam, khuyến tấn hàng đệ tử Đạo Minh Sư quy hướng đạo Phật, sắp xếp sang Hương Cảng thọ lãnh giới pháp, tu học, hướng đến giải thoát, làm lợi ích cho mình và mọi người. Những lời Tổ dạy trong bức tâm thư đã xoay chuyển tâm ý rất nhiều người theo Đạo Minh Sư, tất cả đồng lòng quyết tâm sang Hương Cảng. Chuyến đi được phân làm hai đợt, Ông lão Năm được sắp xếp đi vào đợt thứ hai.
Tháng giêng, năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng cùng huynh đệ đến Thanh Sơn Thiền viện, yết kiến Tổ Hiển Kỳ, nhập chúng tu học theo quy luật thiền môn, được Tổ ban pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc.
Cũng trong dịp này, Thanh Sơn Thiền viện khai mở Đại Giới đàn, Hòa thượng cùng hai vị sư huynh đảnh lễ thỉnh cầu Tổ Hiển Kỳ cho phép được lãnh thọ giới pháp và được Tổ hoan hỷ chấp thuận. Đại giới đàn được tổ chức suốt bảy ngày đêm, Hòa thượng được tổ truyền trao giới pháp, lễ nghi phép tắc của người xuất gia và chính thức trở thành đệ tử Phật.
IV. NHÂN DUYÊN HÓA ĐẠO
Đầu tháng 3 năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng cùng hai vị Sư huynh (Hòa thượng Liễu Thiền, Hòa thượng Liễu Chứng) xin với Tổ trở về Việt Nam, mang theo các kinh điển, giáo pháp tông Thiên Thai và pháp khí để hành trì tu niệm, hành đạo tại trú xứ.
Hòa thượng trở về quê hương Đức Hòa, chuyển đổi ngôi Từ đường thành chùa, tận lực xây dựng lấy tên hiệu chùa Pháp Minh. Từ đó Hòa thượng dốc lòng xiển dương ngôi Tam Bảo, cứu giúp chúng sanh ngày thì chuyên tâm tụng kinh, trì chú; đêm đến, thiền định, lạy sám hối. Hòa thượng tu hành đạm bạc, tinh chuyên giới luật, hạnh đức thanh cao.
Với tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai, làm hưng thịnh tông môn, báo ân Tam Bảo, đền đáp công ơn Tổ Thầy; Hòa thượng đã thế phát xuất gia cho nhiều người, sau này trở thành bậc thạch trụ, lương đống cho Phật giáo Việt Nam và tông Thiên Thai Giáo Quán, như: Hòa thượng Thích Đạt Hảo (1916-1996); Ni trưởng Thích Nữ Đạt Đạo (1901-1971), Ni trưởng Thích Nữ Đạt Tâm (1912- 2012) v.v.. Hiện nay, hàng đệ tử, đệ tôn Trụ trì các chùa khắp vùng Đức Hòa, Củ Chi…
Hòa thượng luôn được thỉnh vào hàng Tôn chứng sư Đàn Tỳ kheo, truyền trao giới pháp cho giới tử, tại các giới đàn chùa Tôn Thạnh, do Hòa thượng Sư huynh Thích Liễu Thiền (1885-1956) khai mở vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm. Nhờ đó, uy đức vang xa hàng hậu học được nương nhờ hạnh đức của Hòa thượng mà tinh tấn tu học.
V. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Đang trong quá trình phát triển tông phong, trùng tu các ngôi Tam Bảo, tiếp tăng độ chúng; Hòa thượng vướng bệnh duyên, các môn đồ và người thân tận tâm săn sóc, đông y tây dược đều chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Tự biết duyên trần đã hết, Hòa thượng giao phó các Phật sự lại cho tông môn và hàng đệ tử; ngày đêm chuyên tu, tay không rời chuỗi hạt, ý nhất tâm trong câu niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Tịnh dộ.
Ngày mùng 2 tháng Chạp năm Bính Tý (nhằm ngày 14/01/1937), Hòa thượng an lành viên tịch trong tiếng chuông mõ niệm Phật của môn đồ, thế thọ 59 tuổi. Tông phong Thiên Thai và tứ chúng đệ tử thành kính cử hành tang lễ, trang nghiêm suốt mấy ngày. Sau đó, pháp quyến môn đồ đồng cung thỉnh nhục thân Hòa thượng nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Pháp Minh.
PHỤNG VÌ PHÁP MINH ĐƯỜNG THƯỢNG TỪ THIÊN THAI GIÁO QUÁN TÔNG, NHỊ THẬP NHẤT THẾ, HÚY TU TỊNH, THƯỢNG LIỄU HẠ LẠC, TRƯƠNG CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.