(Lược thuật theo kinh Bhaddàli, Trung Bộ II)
Không phải lúc nào thuyết pháp đức Phật cũng được mọi người hoan hỷ tín thọ phụng hành. Ðôi khi Ngài phải đương đầu với những kích bác của ngoại đạo, và ngay trong chúng tỳ kheo đệ tử đương thời của Ngài, cũng có nhiều vị không hoan hỷ, nhất là khi ngài đưa ra những học thuyết hay những giới luật họ khó thực hành vì còn nhiều chấp ngã. Nhưng chính trong những dịp này, chúng ta mới thấy rõ đức bình tĩnh của Ðấng Thiên nhân sư. Ngài không bao giờ tỏ ra mất kiên nhẫn, đối với những kẻ cứng đầu.
Một thời khi đức Thế tôn ở Kỳ viên tinh xá, Ngài gọi các tỳ kheo và bảo:
– Này các tỳ kheo, hãy ăn chỉ một bữa trong ngày, chỉ ngồi ăn một lần rồi thôi. Nhờ ta chỉ ăn ngồi một lần, ta cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng có sức và an vui. Do vậy này các tỳ kheo, các ngươi chỉ nên ăn một lần, thì sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và an vui.
Khi nghe vậy tôn giả Bắt Ðà Lợi bạch Phật:
– Bạch Thế tôn, con không thể chỉ ăn một bữa, ngồi một lần, ăn như vậy con sẽ thấy nhiều phiền não, hối tiếc, ân hận, mất sức và buồn rầu.
– Vậy này Bắt Ðà Lợi, khi nào ai mời ăn ngươi hãy ăn tại chỗ một ít, còn một ít đem về để ăn sau. Ngươi có thể ăn như vậy mà sống qua ngày không?
– Bạch Thế tôn, con cũng không thể làm được. Bạch Thế tôn, ăn như thế con vẫn cảm thấy nuối tiếc, ân hận.
Trong mùa an cư ấy, tôn giả Bắt Ðà Lợi luôn luôn lánh mặt Phật, vì đã không chấp hành học giới Ðức Ðạo Sư chế định cho chúng tỳ kheo. Khi giải hạ, tôn giả đi đến chúng tỳ kheo để thăm viếng. Nhũng vị này đang ngồi may một tấm y tăng già lê cho đức Thế tôn. Khi thấy tôn giả Bắt Ðà Lợi, chúng tỳ kheo nói:
– Tấm y này đang được làm cho đức Thế tôn. Sau khi làm y xong, Thế tôn sẽ du hành. Hiền giả hãy suy nghĩ lại về trường hợp vi phạm học giới của hiền giả, để đi đến sám hối đức Ðạo sư, chớ để về sau lại càng khó khăn hơn cho hiền giả.
– Thưa vâng, chư hiền.
Tôn giả Bắt Ðà Lợi vâng lời chúng tỳ kheo đi đến đức Ðạo sư, đãnh lễ và bạch Phật rằng:
– Bạch Thế tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, con thật ngu ngốc, thật si mê, thật bất thiện. Trong khi chúng tỳ kheo tuân hành học giới đã được Thế tôn chế định, thì con lại tuyên bố mình bất lực. Bạch Thế tôn, mong Thế tôn nhận cho sự sám hối của con, để có thể ngăn chừa trong tương lai.
– Này Bắt Ðà Lợi, đúng như vậy, một lỗi lầm đã chiếm đoạt ngươi, ngươi thật ngu ngốc si mê, bất thiện khi tuyên bố sự bất lực của mình đối với học giới đã chế. Này Bắt Ðà Lợi, trong thời gian ấy, ngươi đã không ý thức được rằng, bậc đạo sư sẽ biết ta là một tỳ kheo không thực hành học giới trọn vẹn, không ý thức được rằng một số đông tỳ kheo đến an cư tại Xá vệ sẽ biết mình là một tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới, không ý thức rằng, một số đông tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sẽ biết đến thượng tọa tỳ kheo Bắt Ðà Lợi, đệ tử của sa môn Gotama, không thực hành trọn vẹn học giới.
– Bạch Thế tôn, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt con. Mong Thế tôn nhận cho sự sám hối của con, để có thể ngăn chừa trong tương lai.
– Này Bắt Ðà Lợi, khi một tỳ kheo đã chứng câu phần giải thoát hay thân chứng, hay kiến đáo, hay tín thắng giải hay tùy pháp hành, hay tùy tín hành, khi một vị đã chứng một trong bảy địa vị ấy, được ta bảo rằng, hãy lấy thân mình làm cầu trải cho ta đi qua đám bùn, vị ấy có vâng lời hay tránh né, bảo “không”?
– Bạch Thế tôn, vị ấy vâng lời.
– Này Bắt Ðà Lợi, vậy ngươi đã là gì trong thời gian ấy, mà lại cãi lời ta? Ngươi đã chứng câu phần giải thoát, hay tuệ giải thoát, hay thân chứng hay kiến chí, hay tín thắng giải, tùy pháp hành, tùy tín hành?
– Bạch Thế tôn, không.
– Vậy có phải ngươi là kẻ rỗng tuếch, mà lại ương ngạnh không?
– Thưa vâng, bạch Thế tôn. Mong Thế tôn nhận cho sự sám hối của con, để ngăn chừa về sau.
– Này Bắt Ðà Lợi, vì ngươi đã thấy rõ lỗi lầm, và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho ngươi. Vì rằng, này Bắt Ðà Lợi, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật bậc thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy rõ lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và ngăn chừa trong tương lai.
Này Bắt Ðà Lợi, khi một vị tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc đạo sư, thì vị ấy dù sống ở rừng núi hoang vu với hy vọng chứng được các pháp môn hơn người, vị ấy cũng không chứng được, vì bị Ðạo sư quở trách, các vị đồng phạm hạnh có trí quở trách, bị chư thiên quở trách, và tự mình cũng quở trách mình.
Nhưng này Bắt Ðà Lợi, nếu vị tỳ kheo nào thực hành trọn vẹn giới luật trong giáo pháp của bậc Ðạo sư, thời vị ấy có thể chứng được các pháp thượng nhân, vì vị ấy không bị đạo sư quở trách, không bị chư thiên quở trách, và không bị chính mình quở trách. Vị ấy có thể chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, cho đến tứ thiền, và với tâm định tịnh, thuần tịnh, vô nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vị ấy hướng tâm đến túc mạng minh, nhớ được nhiều đời trước của các chúng sinh, biết người hạ liệt, kẻ cao sang đều do hạnh nghiệp của chúng. Vị ấy có thể hướng tâm đến lậu tận trí, trừ được dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, nhờ đã thực hành trọn vẹn các học giới trong giáo pháp bậc đạo sư.
– Bạch Thế tôn, do nguyên nhân gì, có người được chúng tăng giải tội một cách mau chóng, có người lại không?
– Này Bắt Ðà Lợi, nếu có một vị tỳ kheo thường phạm giới tội, khi bị cử tội lại tỏ ra bất phục, không có thiện chí sửa đổi, vị ấy không được giải tội mau chóng.
Nếu vị tỳ kheo ít khi phạm giới tội, nhưng khi phạm và bị chúng tăng cử tội, lại tỏ ra phẫn nộ, bất mãn, thì chúng tăng cũng không giải tội mau chóng.
Nếu vị tỳ kheo ít khi lỗi lầm, nhưng khi bị cử tội, lại ăn năn chừa bỏ, thì chúng tăng giải tội vị ấy mau chóng.
Nhưng khi một vị tỳ kheo chỉ còn sống trong tăng chúng với chút ít lòng thương, chút ít lòng tin, thì tăng chúng không kết tội vị ấy, vì không muốn để mất chút ít lòng thương còn lại nơi vị ấy. Này Bắt Ðà Lợi, cũng như người chỉ còn một con mắt, thân bằng quyến thuộc của người ấy sẽ lo bảo vệ con mắt còn lại của người ấy, không để cho nó bị đoạn diệt. Tăng chúng đối xử với vị tỳ kheo chỉ còn chút ít lòng thương cũng thế. Do nhân duyên ấy, có khi chúng tăng giải tội mau chóng, và có trường hợp chúng tăng không kết tội một vị tỳ kheo, khi vị ấy chỉ còn một ít lòng thương đối với chúng tăng.
– Bạch Thế tôn, vì sao ngày xưa học giới ít mà có nhiều tỳ kheo ngộ nhập chánh trí, còn ngày nay học giới nhiều, tỳ kheo nhập chánh trí rất ít?
– Này Bắt Ðà Lợi, khi diệu pháp sắp diệt thì học giới nhiều mà tỳ kheo ngộ nhập lại ít. Khi hữu lậu pháp chưa sanh khởi trong tăng chúng thì bậc đạo sư không chế giới làm gì. Chỉ khi hữu lậu pháp sanh khởi, bậc đạo sư mới chế giới luật để đối trị.
Khi nào thì hữu lậu sanh khởi? Ấy là khi tăng đoàn lớn mạnh, đông người, khi tăng chúng có nhiều quyền lợi, khi tăng chúng bắt đầu có danh tiếng, khi tăng chúng đạt đến địa vị kỳ cựu. Khi ấy bậc đạo sư mới chế định giới luật để đối trị các pháp hữu lậu ấy. Này Bắt Ðà Lợi, khi các ngươi còn số ít, ta đã giảng thí dụ con ngựa tốt, ngươi có nhớ không?
– Bạch Thế tôn, không.
– Này Bắt Ðà Lợi, tại sao vậy?
– Bạch Thế tôn, bởi vì trong một thời gian dài, con đã không thực hành trọn vẹn các học giới trong giáo pháp của bậc đạo sư.
– Này Bắt Ðà Lợi, không những chỉ có vì như vậy mà thôi, mà còn vì lý do này nữa: là trong khi ta thuyết pháp ngươi không có để tâm, chú ý, không nghe pháp với cả hai lỗ tai của ngươi. Nay ta sẽ giảng lại cho ngươi. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ.
– Thưa vâng, bạch Thế tôn.
– Này Bắt Ðà Lợi, như người luyện một con ngựa tốt, trước hết phải tập cho nó quen với dây cương. Khi nó đã thuần thục với dây cương lại tập cho nó quen yên ngựa, kế đó quen với sự diễn hành, rồi tập đi vòng quanh, đi bằng móng chân, phi nước đại, chơi các trò vương giả, vương lực, tốc lực tối thượng và cuối cùng trang sức đẹp đẽ cho nó. Con lương mã trở thành một báu vật của vua chúa.
Cũng vậy này Bắt Ðà Lợi, vị tỳ kheo thành tựu mười pháp thì trở thành người đáng cung kính cúng dường: ấy là thành tựu vô học chánh tri kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh tinh tiến, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát. Này Bắt Ðà Lợi! Một vị tỳ kheo thành tựu mười pháp này sẽ là phước điền vô thượng của thế gian.
Sau khi đức Thế tôn thuyết giảng, tôn giả Bắt Ðà Lợi hoan hỉ tín thọ lời Thế tôn dạy.