Ngày thứ tư của khóa tập huấn truyền thông Phật giáo – Nghiệp vụ thư ký, chiều ngày 5/1/2018, TT.TS Thích Minh Nhẫn đã có buổi chia sẻ với các học viên Khóa tập huấn về chủ đề “Chiến lược phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp”.
Nhằm thực hiện tốt điểm thứ 8 trong phương hướng hoạt động Phật sự của Đại hội Phật giáo toàn quốc khoá VIII ( 2017- 2022) đã tổ chức thành công từ ngày 19-22 tháng 11 năm 2017 tại thủ đô Hà Nội với nội dung: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng Pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa”, TT.Thích Minh Nhẫn đã chia sẻ những kiến thức quý báu để các học viên ứng dụng làm kim chỉ nam cho công tác truyền thông của mình tại Phật giáo tỉnh nhà.
Theo đánh giá của Thượng tọa, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo, đã bị một bộ phận kẻ xấu lạm dụng khai thác triệt để truyền và đăng tải thông tin thiếu tính chân thật, khách quan nhằm làm tổn hại uy tín và niềm tin của người dân đối với đạo Phật. Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo… mỗi cá nhân đều có cơ hội làm truyền thông một cách thuận lợi và nhanh chóng, mang đến nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống, bên cạnh đó mặt trái và sự tác hại của mạng xã hội cũng rất khó lường nếu không biết kiểm soát. “Thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến toàn nhân loại. Mạng xã hội đã chính thức trở thành quyền lực số 5, Phật giáo không thể đứng ngoài” (trích phương hướng hoạt động Phật sự của Đại hội Phật giáo toàn quốc khoá VIII). Đất nước hội nhập, kinh tế và đời sống của nhân dân không ngừng phát triển, một bộ phận kẻ xấu trong và ngoài nước luôn luôn tìm mọi cách chia rẽ tinh thần đoàn kết tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh trật tự… do đó nếu người con Phật còn chậm trễ, thờ ơ với việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để làm công tác truyền thông Phật giáo một cách nỗ lực và tích cực hơn thì xem như đã bỏ ngỏ cơ hội, nhường thị phần cho kẻ xấu thuận lợi vô tư khai thác tuyên truyền, xuyên tạc, làm tổn hại uy tín Đạo Phật và gây bất an trong xã hội.
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cũng nêu lên những thuận lợi, khó khăn hiện nay, những nguy cơ và thách thức cho tương lai của truyền thông Phật giáo
Trước thực trạng đó, Thượng tọa đã chia sẻ với tăng, ni, cư sĩ làm công tác truyền thông Phật giáo về kế hoạch và giải pháp thực hiện để “phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp”.
Một là tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông nâng lên tầm chuyên nghiệp; tổ chức hội thảo, tọa đàm… các vấn đề liên quan đến truyền thông Phật giáo; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin cho công tác truyền thông Phật giáo để thông tin tốt đẹp của đạo Phật được truyền bá đa phương tiện cả phần nghe và nhìn.
Hai là Tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho các nhân sự chuyên ngành của Ban Thông tin – Truyền thông của Giáo hội các cấp, nhằm đạt hiệu quả tác nghiệp nhanh, chính xác đúng sự thật và có năng lực sử dụng các ứng dụng liên quan đến mạng xã hội, Website để kịp thời chuyển tải nội dung đến xã hội và cộng đồng mạng, định hướng dư luận và công tác phản biện. Các tỉnh trong khu vực nên phối hợp, liên kết, hỗ trợ nhau về công tác truyền thông Phật giáo.
Ba là xây dựng, đào tạo mỗi Phật tử trở thành một Hoằng pháp viên sử dụng điện thoại thông minh phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp.
Kết thúc buổi chia sẻ, Thượng tọa nhấn mạnh về tầm quan trọng của truyền thông Phật giáo, thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động từng ban, ngành của GHPGVN, đến hình ảnh Phật giáo trong lòng dân tộc. Với công nghệ hiện nay, đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để phát triển truyền thông Phật giáo như: lập kênh truyền hình trực tuyến trên Facebook, Youtube, các Website… để chuyển tải thông tin đa phương tiện. Nếu làm tốt công tác truyền thông, Phật giáo sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa.
Sau buổi chia sẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi của các Tăng, Ni, học viên phản hồi trực tiếp đặt ra nhiều vấn đề thảo luận xoay quanh chủ đề “Chiến lược phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp” được Thượng tọa tuần tự giải đáp với sự đồng thuận hoan hỷ và tán thán của tất cả Tăng, Ni cùng toàn thể học viên.
Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi học:
Tiến sĩ Trương Minh Thái – Trường Đại học Cần Thơ tham dự trong buổi chia sẻ
Tiến sĩ Phương Thanh Vũ – Trường Đại học Cần Thơ tham dự trong buổi chia sẻ
Thích Tuệ Tánh