(DIỆU HIẾU, dieuhieu248@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Diệu Hiếu thân mến!
Bạn đã ly hôn, dĩ nhiên tòa án đã hướng dẫn cho bạn cặn kẽ về quyền nuôi con cùng các pháp lý cần thiết. Bạn vì hoàn cảnh riêng, chưa ổn định được cuộc sống nên giao con cho bên nội nuôi, nhà nội đã đồng thuận và chăm sóc con bạn chu đáo.
Thiết nghĩ, dựa vào hoàn cảnh thực tiễn, dù không nuôi con nhưng bạn vẫn không sai và vẫn có trách nhiệm với con. Vì sao? Có nhiều người sau khi ly hôn, quyết giành quyền nuôi con mà không có khả năng nuôi nấng, để con nhỏ thiếu thốn mọi bề, thành ra thương mà làm hại con.
Điều quan trọng là, bạn cần khéo léo trong ứng xử với chồng và bên nhà nội để thường xuyên lui tới thăm con. Tình tuy không còn nhưng nghĩa không mất và nhất là các bạn còn một đứa con chung. Mọi người đều thương con. Con nhỏ không có tội tình gì cả, lại rất cần tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ để mạnh giỏi và khôn lớn.
Ly hôn là chuyện không hiếm trong xã hội hiện nay. Sau ly hôn, mỗi người có một cách ứng xử riêng. Là Phật tử, bạn nên hiểu mọi sự đều tùy thuộc nhân duyên; vợ chồng tan hợp cũng do duyên. Vậy nên bạn hãy mở rộng tấm lòng, bao dung và hoan hỷ với tất cả những gì trái ý, nghịch lòng.
Gạt bỏ mọi cái ‘tôi’ để hướng về con, thương con chân thành, chăm lo cho con trong khả năng có thể. Đến khi bạn ổn định cuộc sống thì đón con về, hoặc con sẽ tùy duyên sống vui với cả ba nhà; nhà nội, nhà ba và nhà mẹ.
Nguồn: giacngo.vn