HỎI: Phật tử thường được khuyên ăn chay ít nhất một tháng hai ngày vào ngày 15 và mùng 1, hoặc ngày 14 và 30 (âm lịch), nếu có thể thì ăn chay luôn cả 4 ngày. Tại sao phải ăn chay vào những ngày đó mà không phải là ngày khác?
(THIÊN TUYẾT, yennhu89@yahoo.com)
ĐÁP: Bạn Thiên Tuyết thân mến!
Phật tử được khuyến khích lập hạnh mỗi tháng ăn chay ít nhất là hai ngày, khá hơn là bốn ngày, nhiều hơn thì càng tốt. Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, góp phần hạn chế sát sinh, và để nâng cao sức khỏe.
Nếu ăn chay hai ngày thì thường là ngày 14 và 30 (hoặc mùng 1, 15) âm lịch. Ăn chay bốn ngày thì thường là ngày 14, 15, 30 và mùng 1. Sở dĩ phải ăn chay vào những ngày trên vì đó là những ngày “trai” trong tháng. Trai có nghĩa hẹp là chay, nghĩa rộng là thanh tịnh. Trong ngày trai, người Phật tử cần nỗ lực tu học, làm phước thiện, thanh tịnh thân và tâm của mình.
Nên dù ở đâu, làm gì, vào những ngày này (còn được gọi là ngày tối trăng [30, 1] hay sáng trăng [14, 15]) các Phật tử phải đến chùa để thực thi phận sự của mình như lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, sám hối, cúng dường, nghe pháp, tọa thiền… Ăn chay vào những ngày này sẽ khiến thân thể nhẹ nhàng, trợ duyên tích cực cho việc tịnh hóa thân tâm.
Ngoài ra, vào những ngày nói trên, do tác động mạnh của từ trường trong vũ trụ chi phối nên khiến tâm lý con người bị nhiều xáo trộn, khó tự chủ, dễ gây tội lỗi. Ăn chay và tu tập vào những ngày này để tự nhắc mình chánh niệm và tỉnh giác hơn, giúp làm chủ bản thân nhằm hạn chế tối đa các lầm lỗi đáng tiếc.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn