Dược Sư là tên gọi tắt của Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, tiếng Phạn là Bhaichadjyaguru, là vị Phật thường ủng hộ cho con người được tiêu tai, trừ bệnh. Trong trường hợp của biểu tượng thờ cúng đèn 49 ngọn, đã trở thành vị bồ tát hóa thân, gồm 49 ứng thân khác nhau. Đây là những vị bồ tát “tùng địa dũng xuất” (vượt lên từ đất để cứu độ chúng sinh). Tại Nam Bộ, cư dân mới đến chưa phù hợp phong thổ, dễ sinh dịch bệnh hoành hành. Trong bối cảnh đó biểu tượng đèn 49 ngọn, có tượng hóa thân của Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, tạo cho người dân niềm tin được chữa lành bệnh, được sống bình yên, hạnh phúc. Trên thân đèn, Phật tử dán giấy ghi tên của thân nhân cần cầu an. Vì vậy, đèn Dược Sư thấy đặt phổ biến tại chính điện các chùa cổ ở Nam Bộ, ít thấy có ở miền Bắc nước ta. Sau năm 1975, do đất nước thống nhất, đã thấy có đèn Dược Sư ở vài chùa miền Bắc.
Đèn Dược Sư là cây đèn cao 4 mét, gồm một trụ hình bát giác sơn đỏ ở giữa, ba chân đỡ chống 3 góc. Đèn gồm 7 tầng, mỗi tầng tủa ra 7 nhánh. Mỗi nhánh là thân chạm khắc gỗ của rồng hoặc phụng. Đầu rồng đỡ lấy cây đèn và lưng rồng là tượng Phật ngồi, tư thế của một vị bồ tát. Đèn Dược Sư 49 ngọn được hiểu là sự tổng hợp của 7 lần con số 7. Sự thể hiện 7 tầng đèn cũng muốn nói lên ý nghĩa ấy. Trong kinh Phật Đại thừa và Tiểu thừa, con số 7 mang ý nghĩa trụ trong Phật pháp, tu vượt ra tất cả những gì ràng buộc con người, toàn bộ thế gian không còn chi phối được, mới thực sự là người giải thoát, vượt sinh tử.
Các ngôi chùa cổ ở Nam Bộ vẫn còn duy trì đèn Dược Sư, đặt tại chính điện, như chùa Giác Lâm, Giác Viên (quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), Thiên Phước (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), Phước Thành (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)… Nếu như trước kia, đèn Dược Sư bằng gỗ, với 49 ngọn đèn dầu, thì nay, nhiều nơi đã có sự sáng tạo thêm, làm 49 ngọn đèn điện, mỗi ngọn là một đóa hoa sen bằng nhựa.
Đó cũng là một trong những biểu tượng thể hiện tính đa dạng, sáng tạo của Phật giáo trong người Việt ở Nam Bộ.