Đại tượng Baza thời trẻ là một coi voi chiến mạnh mẽ oai vũ nhất bầy, chỗ nào nó đi qua, nơi đó đều rúng động. Thế nhưng đến khi về già, Baza suy yếu trầm trọng. Ngày nọ, nó đi uống nước, vô ý té xuống ao, chẳng làm sao thoát ra. Quản tượng dùng hết cách để cứu Baza nhưng bất khả vì nặng quá, tinh thần vốn đã suy sụp nên nó không thèm nhúc nhích và thật khó cứu hộ.
Quản tượng cấp tốc bẩm báo sự việc lên nhà vua. Vua hết sức lo âu, vì đây là con voi thuở sinh tiền được tiên vương sủng ái, ưa cưỡi nhất. Dù giờ đây tiên đế đã băng hà, cũng không nên để voi chết thảm trong ao
Suy nghĩ suốt đêm, quốc vương sực nhớ: Baza vốn là một voi chiến anh dũng, từng được lão Bá Anh, tay luyện voi lừng danh thuần hoá. Mặc dù giờ Bá Anh đã chết, chiến tranh cũng kết thúc rồi, song đám con cháu kế nghiệp ông chắc chắn sẽ biết cách động viên Baza.
Thế là vua cho đòi Bá Hùng, con trai Bá Anh vào triều và bảo chàng tìm cách cứu Baza.
Bá Hùng nói:
– Thần từng nghe tiên phụ dạy: Khi voi được một, hai tuổi thì phải dùng trống huấn luyện nó. Để mỗi khi tác chiến, hễ trống trận vừa đánh lên, thì bất kể tình huống nguy hiểm đến đâu, voi cũng sẽ bất chấp, dốc hết toàn lực, dũng mãnh tiến lên. Song, con Baza nay đã già suy, không biết trống trận có còn hiệu nghiệm với nó chăng?
Vua bảo:
– Hãy mau làm thử ngay! Có còn hơn không…
Vua và Bá Hùng sai người vừa đi vừa đánh trống, cùng đến tận chỗ Baza bị sa lầy. Âm vang tiếng trống trận vừa vọng đến tai voi, hoạt cảnh hùng tráng xa xưa bỗng được tái hiện, voi có cảm giác như mình đang đứng đầu ngàn tượng, oai dũng xông pha giữa trận tiền, từng nhịp trống đổ dồn làm sống lại dòng máu chiến sĩ trong nó, lôi cuốn, hùng hồn thôi thúc sức mạnh bất tuyệt trào dâng khiến Baza nhớ lại thời oanh liệt nơi chiến trường, tinh thần trở nên phấn chấn, máu nóng sục sôi, nó bỗng hăng lên theo tiếng trống, liền nhảy vọt một cái và nhào được lên bờ.
(Kể theo Truyện tích Phật giáo)
—o0o—
Bài Học Đạo Lý:
Đây là một câu chuyện mà Đức Phật từng kể để nhắc nhở hàng đệ tử hãy tự khích lệ mình, dũng mãnh tiến lên, thoát khỏi mọi trói buộc của phiền não.
Con voi sở dĩ thoát nạn là nhờ thời trẻ nó được dạy dỗ, huấn luyện kỹ. Nay gặp người biết cách khơi sức mạnh tiềm ẩn trong nội tâm nên nó thoát nạn. Chúng ta cũng vậy, ở độ tuổi thanh xuân, tinh thần hưng phấn, sức khỏe dồi dào, vượt qua khó khăn, khổ nạn… tương đối dễ dàng. Song đến lúc thể xác suy yếu, tinh thần sa sút ta dễ buông xuôi, đầu hàng trước nghịch cảnh, dù thực chất ta có thừa khả năng vượt thoát.
Khi cái khổ ập tới, nếu nghĩ mình không thể nào vượt qua, tự cho rằng mình không chịu được nỗi khổ quá lớn, niềm đau quá tày đình… thì chắc chắn ta sẽ bị khổ đau quật ngã, nhấn chìm. Nhưng nếu biết suy xét: “Dù khổ lớn đến đâu, dù sầu đau ngang trời đất… ta vẫn có thể vượt qua” thì chính niềm tự tin này sẽ giúp ta khắc phục chướng nạn, thoát khổ dễ dàng. Tất cả đều nhờ vào sức mạnh tinh thần của ta tự phấn phát, khích lệ mình. Bởi vậy mà trong nhà Phật thường áp dụng pháp quán tưởng. Nếu nghĩ mình yếu hèn, ta sẽ yếu hèn ngay. Nếu nghĩ mình vững mạnh, ta sẽ dũng mãnh không ai bằng.
Con voi té xuống ao, nếu nó có ý buông xuôi, tức là chỉ còn chờ chết đến. Ta cũng vậy! Trong cuộc đời này, có ai mà không nếm qua khổ? Song, rủi cái là khi té vào biển (khổ) chứ không phải cái ao nhỏ như con voi kia, ta cứ tưởng là chỉ có mình khổ nhất, bất hạnh nhất trần gian và không hề biết khổ đau được chia đồng đều cho mọi người trên thế gian này. Những nỗi khổ tử biệt, sinh ly, thất thoát tài sản, mất mát sức khỏe, tình thương… Phật đã dạy rất kỹ, đã cảnh báo rất nhiều lần, song ta không chịu để ý (lắm lúc còn cho rằng Ngài thuyết giáo bi quan nữa kia). Để rồi khi cái khổ ập tới, ta nghĩ mình không sống nổi.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nếu niệm sầu đau khởi lên, ta không lao theo mà bình thản nhìn nó diễn tiến. Trong khoảnh khắc ngắm nhìn đó, lòng ta tĩnh lặng và hoàn toàn đứng ngoài khổ đau. Song nếu ta còn thấy mình yếu đuối khó vượt qua khổ thì hãy … gióng “trống trận” lên: “Mình sẽ vượt qua, một niệm khổ đang hiện diện chẳng nhằm nhò gì, dù nó có chường mặt ra, có nằm chình ình, nằm lì trong tâm ta thật đấy, song nó không thể tồn tại thiên thu”. Không tin thì hãy theo dõi độ bám và tuổi thọ của niệm khổ đó xem, nó sẽ kéo dài bao lâu?
Theo: Giác Ngộ