Kinh Đại bát Niết bàn có ghi rằng “Đức Thế Tôn dùng sức Đại Bi làm cho thân Kim Cang nát thành hột xá lợi nhỏ”. Như vậy, xá lợi chính là cốt thân của Đức Phật. Trong tiếng Phạn Sarira có nghĩa là linh cốt. Xá lợi được gọi là Relic.
Xá lợi có nhiều dạng khác nhau như loại hơi tròn, nhỏ, gọi là hạt xá lợi, loại dẹp, tủa ra làm nhiều nhánh như san hô được gọi là bông xá lợi, hay san hô xá lợi. Tất cả các loại ấy có màu trắng đục, màu ngà, màu trắng có đường chỉ đỏ, màu trắng có đốm xám, màu trắng có đốm đen tuyền, màu xanh lục, màu đỏ tươi. Xa lợi của Thích Ca có năm màu, lóng lánh, còn gọi ngũ sắc xá lợi.
Một số chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh có tôn trí xá lợi Phật như chùa Xá Lợi, Giác Lâm, chùa Phật Bửu, chùa Hưng Pháp…
Chùa Ngũ gia tông phái của chùa Giác Lâm
Chùa Xá Lợi tôn trí xá lợi Phật do đại đức Narada giao cho Từ Cung hoàng thái hậu, để bà tùy ý giao lại cho đoàn thể Phật giáo, sau đó bà đã gửi tặng Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Tổng hội trao cho Hội Phật học Nam Việt. Văn phòng của hội lúc ấy đặt tại chùa Xá Lợi.
Chùa Giác Lâm tôn trí xá lợi trên tầng bảy của tháp Ngũ Gia tông phái, còn được gọi là Bửu tháp xá lợi, được xây dựng vào năm 1972, sau đó bị gián đoạn một thời gian và tái xây dựng để hoàn thành tháp vào năm 1994. Xá lợi tại chùa Giác Lâm do Hòa thượng Narada tặng vào năm 1953, được đưa từ Sri Lanka về.
Chùa Phật Bửu nhận được xá lợi do Phật giáo Thái Lan tặng Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng trao tặng cho chùa Phật Bửu. Vào năm 1996, một viên nữa tôn trí tại chùa Hưng Pháp.