Báo Giác ngộ ra mắt vào ngày 1.1.1976. Đây là cơ quan ngôn luận của giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
Do yêu cầu cuộc vận động ổn định các hệ phái và tổ chức Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng cả nước và cũng do yêu cầu của mặt trận đoàn kết toàn dân nằm trong lòng dân tộc, báo Giác ngộ ra đời theo Quyết định số 07-QĐ/BC ngày 1.12.1975 của Cục xuất bản báo chí. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố làm Chủ nhiệm, ông Võ Đình Cường là Tổng biên tập, ông Nguyễn Văn Hàm là Tổng thư ký, ông Tống Hồ Cầm là Ủy viên biên tập kiêm trị sự.
Chủ trương của báo là Phát huy mọi tinh hoa Phật học, đề cao tinh thần chánh tín, bài trừ những hủ tục, thông tin những kiến thức về đời sống lành mạnh, thông tin rộng rãi những sinh hoạt Phật sự gắn với thời sự quan trọng của đất nước, phản ánh sự đóng góp thiết thực của giới Phật giáo, nêu gương người tốt, việc tốt.
Với chức năng phục vụ đạo pháp và dân tộc, trao truyền tư tưởng Phật giáo cho tăng ni Phật tử, báo Giác ngộ là diễn đàn duy nhất của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian từ 1980 đến lúc đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, báo Giác ngộ đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi thống nhất Phật giáo.
Khi Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt viên tịch, Hòa thượng Thích Thiện Hào thay thế làm Chủ nhiệm, thượng tọa Thích Trí Quảng làm Tổng biên tập. Trong hệ thống tổ chức mới này, báo Giác ngộ không chỉ đảm trách tiếng nói của giới Phật giáo Thành phố mà cho Phật giáo cả nước. Buổi đầu văn phòng tòa soạn đặt tại 6 A Lê Quý Đôn, năm 1979 dời về 85 Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, tòa soạn đã hân hạnh đón tiếp Bí thư Thành ủy lúc ấy là ông Võ Văn Kiệt. Từ tờ báo kỳ, hai số một tháng, báo tăng lên thành tuần báo để kịp thời phổ biến sớm các thông tin cần thiết. Hiện nay ngoài tuần báo Giác ngộ còn có thêm nguyệt san Giác ngộ.