Vào năm 1954, khi đất nước bị tạm thời chia đôi, nhận thấy ở miền Nam có nhiều Phật tử ao ước được trông thấy ngôi chùa có kiến trúc độc đáo là chùa Một Cột ở Hà Nội, nên Hòa thượng Thích Trí Dũng có ý định xây ngôi chùa tại miền Nam theo kiến trúc này, lấy tên là Nam Thiên Nhất Trụ.
Chùa Một Cột ở Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 100 đường Đặng Văn Bi, thị trấn Thủ Đức, huyện Thủ Đức. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1958, hoàn thành vào năm 1977, do Hòa thượng Thích Trí Dũng lập theo khuôn mẫu chùa Một Cột miền Bắc. Kiến trúc chùa do kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức thiết kế trên khuôn viên rộng độ 1 héc ta.
Cổng tam quan được xây dựng theo phong cách cổng chùa ở miền Bắc với bức hoành phi ghi bốn chữ Hán “Nam thiên nhất trùy”.
Phía phải trong vườn chùa có tượng Quan Âm Nam Hải, đứng trong hồ nước nhỏ, tay cầm bình nước cam lồ, một tay trong tư thế ấn quyết.
Góp phần vào việc đưa chùa trở thành danh thắng nổi tiếng của thành phố là hồ sen, và pho tượng Di Lặc tư thế đứng trong vườn chùa. Chùa còn có hồ nước vuông mang tên Long Nhãn, bên trong thả hàng vạn con cá nhiều loại và rùa. Giữa hồ nước này là ngôi chùa Một Cột. Pho tượng chính bên trong là Quan Thế Âm bồ tát trong tư thế 24 tay, bằng gỗ mít, thể hiện đường nét chạm khắc công phu.
Tương truyền, khi đào móng xây chùa, đã tìm thấy một gương bằng đồng, ghi bốn chữ “Ngũ tử đăng khoa”. Đây là di vật ngày trước dành ban thưởng cho những gia đình có năm người con đỗ đạt. Tấm gương đồng này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên trong chính điện, hương án, tượng thờ, bao lam, phù điêu… đều do nghệ nhân Bá Nhâm đứng ra thực hiện. Ngôi chính điện này mang tên Diên Hựu tự, thờ Đức Phật Thích Ca và Thiên Long Bát bộ. Phía sau chính điện còn có tượng đài của Phật A Di Đà cao hơn 7 mét và tượng Địa Tạng Vương bồ tát cao hơn 2 mét. Tượng được đúc bằng đồng, nặng hơn 3 tấn.
Chùa Một Cột
Bản kinh khắc trên lá bối của chùa do Thủ tướng Ấn Độ tặng vào năm 1964.
Bên trong tổ đường thờ đức Đạt Lai Lạt Ma, vị tu sĩ của Lạt ma giáo (Phật giáo ở Mông Cổ, Tây Tạng).
Ngoài tăng phòng, thư viện, thiền đường, chùa còn có nhà lưu niệm, kiến trúc công phu, bên trong có kim tĩnh ghép bằng 21 cánh sen bằng men sứ xanh, nhập từ Nhật Bản. Đây là nơi yên nghỉ sau này của vị tổ khai sơn chùa. Khu vực mộ này nằm trong hồ Liên Đài, có thả cá cảnh nhiều màu sắc.
Nhiều năm liền, chùa được tiếp tục xây dựng thêm những công trình phụ, góp phần tăng thêm nét hoành tráng cho ngôi chùa Một Cột ở phương nam