Trường hương là từ dùng chỉ thời gian ba tháng trong năm các tu sĩ ở hẳn tại chùa tu tập, không đi ra ngoài. Còn có thể gọi giai đoạn này là Tịnh nghiệp đạo tràng hoặc An cư kiết hạ.
Trường hương thường có quy mô tổ chức lớn, tập hợp nhiều tăng sĩ các thùa tham dự. Trường hương lớn được tổ chức ở Gia Định tại chùa Giác Lâm vào năm 1844 đời vua Thiệu Trị, do Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh khai mở. Theo truyền thống xưa, lễ khai hương được tổ chức từ ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch và kết thúc vào mồng 8 tháng 7. Mở trường hương phải được chính quyền đương thời cấp giấy phép, nhà thiền dựng bên hông chùa, chia làm hai bên dành cho tăng và ni riêng biệt. Xưa, căn cứ vào Thanh quy của tổ Bách Trượng bên Trung Quốc mà tổ chức lễ. Ban Chức sự được thành lập. Trong trường hương có bốn vị luân phiên điều hành công việc, gọi chung là Trị, Giám, Tuần, Tán (trị nhật, giám hương, tuần hành, tán hương). Việc tu tập tổ chức tại thiền đường, công phu, nghe giảng kinh, cúng ngọ… tổ chức tại chùa. Thời khóa biểu dành cho sinh hoạt trong ba tháng rất nghiêm nhặt. Ai vi phạm sẽ bị phạt quỳ hương, phạt bất cộng trụ (cho ở riêng một chỗ), hoặc giải tẩn (trục xuất ra khỏi trường hương)… Mỗi ngày, ngoài giờ học giáo lý còn có phần khảo hạch, lạy thù ân. Mỗi tuần có tổ chức trai tăng (Phật tử cúng dường thức ăn, vật phẩm cho tu sĩ), ngồi giàn (lập đàn cúng chẩn tế cho cô hồn), thuyết pháp (giảng đạo)… Theo thông lệ, cuối khóa an cư có làm lễ Tự tứ, còn gọi là phát lồ. Tu sĩ tự kiểm điểm, xin sám hối trước Phật đài.
Trước năm 1975, trường hương được khai mở nhiều nơi tại Sài Gòn như tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình ngày nay), chùa Phụng Sơn (quận 11)…
Thế kỷ XIX, tại Gia Định trường hương được tổ chức một năm hai lần gọi là an cư kiết hạ và an cư kiết đông.