Phật giáo ra đời tại Ấn Độ. Đây là một quốc gia nằm ở trung tâm của khu vực Nam Á, là một quốc gia đa sắc tộc và đa ngôn ngữ. Trong nhiều thành phần dân tộc đó, có hai dân tộc chính, là người Dravida và người Arya. Sau khi chinh phục gần như toàn bộ lãnh thổ Ấn, người Arya bắt đầu ban hành luật pháp của mình. Dân Ấn Độ được chia thành bốn đẳng cấp Tu sĩ (Brahmin), võ sĩ quý tộc (Kshatriya), thương nhân, nông dân, thợ thủ công… (Vaisya), Sudra (nô lệ). Ngoài bốn đẳng cấp trên, còn có một bộ phận bị bạc đãi trong xã hội Ấn, bị xem là thấp hèn, không có đẳng cấp, gọi là Patria.
Vào thế kỷ VI trước Công nguyên, Ấn Độ được xem là một quốc gia gồm nhiều tiểu quốc, trong đó có bốn tiểu quốc có thể xem là vương quốc, đó là Kosala, Vamsa, Avanti, Magadha. Ngoài bốn vương quốc này, các xứ còn lại là những xứ cộng hòa nhỏ bé, tên gọi từng xứ theo nhóm của các nhà quý tộc lãnh đạo. Một trong những nước cộng hòa này có nước Sakya, thủ đô là Kapila. Nước cộng hòa này là chư hầu của vương quốc Kosala. Chính tại đất nước nhỏ bé này, nằm giữa ranh giới Ấn Độ và Nepal ngày nay, đã sản sinh ra một con người xuất chúng, đó là thái tử Tất Đạt Đa (Shirdattha), con trai của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya, người mà sau này đã trở thành vị giáo chủ khai sáng ra đạo Phật.
Bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước đã có ảnh hưởng khá lớn đến việc hình thành tư duy của ông và đưa đến một quyết tâm cao độ khi ông đi ra bốn cửa thành, tận mắt nhìn thấy cảnh sinh, lão, bệnh, tử của con người. Ông đau đớn và muốn tìm mọi phương cách nào đó để giúp con người thoát khỏi những đau khổ ấy. Một đêm, sau khi bước vào phòng nhìn vợ và đứa con trai nhỏ lần cuối cùng, ông quyết tâm ra đi, tìm ra con đường cứu giúp nhân loại thoát khỏi những thống khổ ấy. Ông đã quyết tâm ra đi, ngồi thiền định dưới cội bồ đề, để suy nghiệm về những đau khổ của con người phải gánh chịu, và tìm cách giúp con người thoát khổ, trong suốt bốn mươi chín ngày đêm để tìm ra con đường cứu khổ cho nhân loại. Con đường ấy sau này chính là giáo lý của Phật giáo. Một giáo lý được ông suy nghiệm sau khi đã từ bỏ những tu sĩ theo đạo Bà La Môn, một tôn giáo vốn có mặt tại Ấn Độ thời bấy giờ, từ bỏ những đẳng cấp mà xã hội ấy đã đem lại, để thay thế bằng việc kêu gọi sự bình đẳng tuyệt đối trong xã hội Ấn. Lời nói “Không có sự khác biệt nào trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn” chính là tư tưởng thể hiện sự bình đẳng tuyệt đối của tất cả mọi người, trong sự sống (dòng máu) và cả trong sự đau khổ (nước mắt). Ngoài tư tưởng lớn về sự bình đẳng, thái tử Tất Đạt Đa còn đưa ra những nguyên lý về sự vô thường (không có gì thường hằng, vĩnh cửu trên cõi đời này), vô ngã (không thấy cái tôi của mình là tất cả), về nhân quả, luân hồi…
Như vậy, từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, tại miền Trung Ấn Độ, đã xuất hiện một tôn giáo mới là Phật giáo, do một người vốn là thái tử, đã quyết tâm hy sinh cuộc sống giàu sang, sung sướng của mình để tìm một phương cách giúp nhân loại thoát khổ bằng một phương pháp thực nghiệm theo giáo lý Phật giáo mà ông đã đề ra.