Phật giáo miền Nam Việt Nam, từ sau phong trào chấn hưng rầm rộ ở miền Nam, sau đó lan dần đến miền Trung và miền Bắc, đã bước vào một giai đoạn mới, với sự hình thành của các Hội Phật học. Sau hàng thế kỷ suy thoái, Phật giáo Việt Nam được khởi sắc qua các tạp chí Phật giáo có hội dung tiến bộ, mang tính tập thể, tích cực đấu tranh với cái xấu, cái lạc hậu và mê tín.
Trong quá trình phát triển pháp môn hành đạo của mình, Tịnh độ Cư sĩ Phật học hội Việt Nam đã có trên 200 ngôi chùa toàn miền Nam, và đã xuất bản một tạp chí mang tên Pháp âm. Đây là một nguyệt san được phát hành vào năm 1937. Pháp âm chỉ tồn tại gần hai năm, ra được 16 số.
Nội dung chủ yếu của Pháp âm là:
– Phổ truyền giáo lý Phật giáo theo quan điểm của Tịnh độ Cư sĩ Phật học hội Việt Nam, lý giải kinh Phật theo tư tưởng tiến bộ, nhập thế.
– Góp phần chấn hưng Phật giáo. Mục tiêu chấn hưng không chỉ là sự loại bỏ cái xấu mà còn nhằm cải cách Phật giáo Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, dân chủ hóa, dân tộc hóa.
– Đưa ra được hệ thống quan niệm triết lý khá uyên thâm như bài Nhơn san quan của triết học mới của cư sĩ Hồng Quảng…
– Góp phần phê phán mê tín dị đoan, như bài Chánh tín và mê tín.
– Diễn đàn cải cách Phật giáo, diễn đàn dân chủ, vì đăng cả những thư tố cáo của hội viên đối với những chức sắc mê tín…
– Tán trợ cho tờ báo Tiến hóa của hội Phật học Kiêm Tế do nhà sư Thiện Chiếu lãnh đạo.
Trên tinh thần góp phần cải tạo xã hội qua báo chí, tạp chí Pháp âm cũng chỉ ra được 16 số, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự cấm đoán của chính quyền đương thời. Khá nhiều tờ báo, tạo chí khác của các hội Phật giáo cũng chịu cùng số phận như Tiến hóa của Hội Phật học Kiêm Tế, Pháp âm của Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội…