Sáng ngày 06/1/ 2019 (nhằm ngày mồng 1/12/ Mậu Tuất), tại chùa Pháp Minh-ấp Giồng Lớn- xã Mỹ Hạnh Nam- huyện Đức Hòa-tỉnh Long An, Chư Tăng và gia đình ngài Trương Tấn Sang-Nguyên chủ tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam long trọng tổ chức Lễ húy kỵ Cố Hòa Thượng khai sơn Thích Liễu Lạc và Ni Trưởng Đệ nhị trụ trì Thích nữ Liễu Cổ.
Quang lâm chứng minh và tham dự lễ húy kỵ, tưởng niệm, có sự hiện diện của Hoà thượng Thích Minh Thiện- Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Hoằng phápTƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Thượng tọa Thích Thanh Phong: Ủy viên TT HĐTS, Trưởng ban Kinh tế Tài chánh TƯ, Hòa thượng Thích Tắc Lãnh: Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Thủ Đức, Tông Trưởng tông Thiên Thai Giáo Quán; Hòa thượng Thích Tắc Phi: UV HĐTS, Phó Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Long An, Phó Tông trưởng tông Thiên Thai Giáo quán; Đại đức Thích Quảng Lâm: Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế TƯ, Chủ nhiệm Lớp Sơ cấp Phật học Long An; Đại đức Thích Lệ Duyên: Chánh Thư ký, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh Long An, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN liên huyện Đức Hòa, Đức Huệ cùng Chư Tôn đức Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Long An, liên huyện Đức Hòa-Đức Huệ, Chư Tôn đức Tông phong Thiên Thai Giáo quán, cùng Ban Chủ nhiệm và Tăng Ni sinh lớp Sơ cấp Phật học Long An.
Đặc biệt có sự tham dự của Ngài Trương Tấn Sang: Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phu nhân, quý Thân hữu và thân tộc họ Trương.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự, HT Thích Tắc Lãnh cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Thích Liễu Lạc, khai sơn chùa Pháp Minh.
Được biết, Hoà thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình, sinh năm 1878 (Kỷ Mẹo) vốn là bậc đại điền chủ, nổi tiếng nhân hậu, đạo đức khắp vùng. Phụ thân là cụ ông Trương Văn Thêm, mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Em. Hoà thượng là người con út trong gia đình có bốn anh chị em.
Năm 1910, Hoà thựơng tu theo đạo Minh Sư và được gọi là Ông lão Năm. Đạo Minh Sư chủ trương “Thờ cúng Phật, tu theo Lão giáo, sống theo Nho gia’’, nên Hoà thượng có điều kiện so sánh, nhận thấy Phật đạo cao siêu hơn. Vì vậy năm 1933, Hoà thượng hành hương sang đất Phật ở Ấn Độ và sau đó đến Thanh Sơn Thiền Viện ở Hồng Kông để xuất gia theo Phật giáo. Tại đây, Hoà thượng được Tổ Hiển Kỳ trao truyền Đại giới và ban cho pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc, thuộc đời thứ 49 tông Thiên Thai Giáo Quán. Sau khi thọ giới xong, Hoà thượng về quê, biến ngôi nhà đang ở thành chùa và lấy hiệu là Pháp Minh, đồng thời làm trụ trì khai sơn đời thứ nhất. Bấy giờ, chùa làm bằng gỗ quý, cột tròn rất to, mái lợp ngói âm dương, xây dựng theo phong cách nóc bánh ít cổ xưa. Nhiều vị chân tu đã xuất gia tu học ở đây như Hoà thượng Thích Đạt Hảo, Ni trưởng Thích Nữ Đạt Tâm…
Ngày mùng 2 tháng Chạp năm Bính Tý (nhằm ngày14 tháng 1 năm 1937), Hoà thượng Thích Liễu Lạc an lành viên tịch, thế thọ 59 tuổi, tháp của Ngài được xây ngay trong khuôn viên chùa Pháp Minh. Ni trưởng Thích Nữ Liễu Cổ thế danh Nguyễn Thị Bộ kế thế trụ trì chùa Pháp Minh, phát triển đạo pháp ngày thêm hưng thịnh.
Tiếp theo, Chư Tôn đức và Ngài Nguyên Chủ tịch nước, gia tộc Họ Trương dâng hương tưởng niệm, với tâm nguyện đốt nén tâm hương dâng lên cúng dường, nguyện Tam Bảo chứng tất lòng thành kính của hậu bối. Một nghĩa cử cao đẹp thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân Chư vị Tổ sư đã có công lao rất lớn đóng góp cho sự hình thành và phát triển ngôi Tam Bảo Pháp Minh.
Đồng thời, nhân lễ húy kỵ, nhận lời mời của Đại đức Thích Quảng Lâm và phu nhân Nguyên Chủ tịch Mai Thị Hạnh phái đoàn bác sĩ Đông Tây y tại Đài Loan và thành phố Hồ Chí Minh khám, phát thuốc miễn phí cho Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học Long An, Lớp Sơ cấp Phật học, Phật tử chùa Pháp Minh. Tổng số phái đoàn đã khám chữa bệnh cho 450 vị.
Tin và ảnh: Huệ Như – Hóa Kiến