THAM LUẬN: QUẢN LÝ TĂNG NI TỰ VIỆN THỜI HIỆN ĐẠI
Kính bạch Chư Tôn Đức!
Kính thưa quý liệt vị!
Hôm nay trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, đoàn kết hòa hợp của Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020, chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tăng sự của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Thay mặt Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Long An, chúng tôi xin gửi đến chư Chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chư Tôn đức giáo phẩm Ban Tăng sự TƯ, và Ban Tăng sự các tỉnh thành phố: pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành; kính chúc chư vị khách quý, quý học giả, quý vị đại biểu lời cầu chúc: vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường. Kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Trong hội nghị này, chúng tôi xin trình bày tham luận chủ đề: “Quản lý Tăng Ni, tự viện thời hiện đại”.
Ban Tăng sự trung ương là một trong 13 Ban, viện Trung ương, trực tiếp quản lý Tăng Ni tự viện trên phạm vi toàn quốc. Ban Tăng sự Trung ương và Ban Tăng sự các tỉnh thành phố giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự 6 tháng đầu năm 2020 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có 18.491 tự viện, 54.773 Tăng Ni. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhất là trong năm 2020, trên phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội như youtube, facebook xảy ra nhiều cơn “bão mạng” liên hệ đến Tăng, Ni, tự viện, ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh của Phật giáo đối với tín đồ và những người yêu mến Phật giáo. Để quản lý Tăng Ni, tự viện hiệu quả trong thời hiện đại, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:
- Quan tâm về giáo dục đạo đức, giới luật cho Tăng Ni
Giáo dục đạo đức hay là giáo dục về giới luật cho Tăng Ni là một vấn đề quan trọng cần phải quan tâm hàng đầu trong thời hiện đại. Trong Luật tạng, Đức Phật đã dạy Giới luật là thọ mạng của Phật pháp: “Tỳ ni tạng giả Phật pháp thọ mạng. Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ, Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”. Trong Sa di Luật nghi ghi rõ lộ trình của người hảo tâm xuất gia là: “Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ, thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỷ”. Giới là nền tảng căn bản đưa đến sự phát triển thiền định và trí huệ. Giới luật giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người xuất gia. Thời gian gần đây, một số Tăng Ni có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, vi phạm giới luật làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo. Vì thế, giáo dục đạo đức, giới luật cho Tăng Ni cần phải liên hệ đến:
1.1. Vai trò của vị Trụ trì:
Theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, vị trụ trì mới đủ tư cách tiếp nhận người xuất gia. Vì vậy, khi tiếp nhận người xuất gia, trụ trì phải hướng dẫn, dạy dỗ từng bước định hướng lý tưởng thiêng liêng và hạnh nguyện của người xuất gia, không nên thu nhận đệ tử một cách cẩu thả, vội vàng và vô trách nhiệm. Trong Yết Ma Yếu Chỉ ghi: “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội”. Đó là nuôi dạy thế nào để học trò mình thấy được giá trị, hạnh phúc của sự tu tập.
Ngày nay, có không ít vị trụ trì chưa nhận rõ được vai trò và trách nhiệm của mình, thâu nhận đệ tử xuất gia một cách tùy tiện, chưa từng dạy cho đệ tử về oai nghi, giới luật căn bản của người xuất gia, thậm chí họ còn không xem việc “Văn-Tư-Tu” là quan trọng để chuyển hóa một chúng sanh phàm tình tiến dần lên người hiền thiện. Hơn thế nữa, có nhiều vị trụ trì ai xin xuất gia thì liền cạo tóc mà chưa trải qua thời gian thử thách, tập sự, họ xem việc có nhiều đệ tử phục vụ là niềm vui là vinh dự mà thôi. Đây chính là một trong những nguyên nhân người xuất gia dễ vi phạm giới luật, sống buông thả. Nếu vị trụ trì nào nhận đệ tử không dạy dỗ, để đệ tử vi phạm giới luật, pháp luật; Ban Tăng sự các cấp có thể hạn chế việc tiếp nhận đệ tử của vị trụ trì ấy.
1.2. Khảo thí tại Đại giới đàn
Hiện nay, được sự cho phép của Trung ương Giáo hội, mỗi tỉnh, thành phố ba năm tổ chức giới đàn một lần để truyền trao giới pháp cho người xuất gia. Việc khảo thí giới tử tại mỗi tỉnh thành chưa thống nhất. Nhiều tỉnh thành khảo thí giới tử rất nghiêm túc, cũng còn một số tỉnh thành dễ dãi trong việc khảo thí giới tử. Khi tổ chức Giới đàn, ngoài tiêu chuẩn thọ giới được quy định tại Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, chúng tôi thiết nghĩ Ban Tăng sự Trung ương cần soạn thảo một bộ đề thống nhất để Ban Kiến đàn các tỉnh, thành y cứ vào đó khảo thí giới tử. Trong bộ đề này, cần đặt trọng tâm đến lý tưởng người xuất gia và giới luật, nhất là bốn bộ luật căn bản của người xuất gia (Tỳ ni, Sa di/ Sa di ni, Oai nghi và Cảnh sách) và cần quy định rõ vị nào thọ đại giới bắt buộc thuộc bốn bộ luật trên. Khi khảo thí giới tử, phải có sự giám sát của Ban Tăng sự trung ương. Những vị nào không trải qua khảo thí tuyệt đối không cho thọ giới.
1.3. Quan tâm giáo dục giới luật tại các trường Phật học
Hiện nay, cả nước có bốn Học viện Phật giáo, tám lớp Cao Đẳng Phật học; trên 30 Trường Trung cấp Phật học và rất nhiều lớp Sơ cấp Phật học, tạo thành một hệ thống các cấp học khá hoàn thiện, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có trình độ Phật học và hiện đang phụng sự cho các cấp Giáo hội.
Nhưng cũng trong xu hướng xã hội phát triển vượt bậc với đủ sắc màu, nhiều trào lưu văn hóa, tư tưởng đạo đức xã hội mới và sức mạnh truyền thông thời hiện đại nó như là cơ hội và thử thách đối với người xuất gia của chúng ta. Quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy nên những người xuất gia trẻ tuổi rất cần sự “phòng phi chỉ ác-chỉ ác tác thiện” của giới luật. Vì thế, Ban Tăng sự phối hợp với Ban Giáo dục Phật giáo quan tâm giáo dục đạo đức, giới luật tại các cấp học Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Học viện Phật giáo…để thế hệ Tăng Ni trẻ học tập, trau dồi, tự hoàn thiện nhân cách đạo đức, phẩm hạnh của người xuất gia. Thực tế cuộc sống cho thấy, đa số Tăng Ni được đào tạo căn bản từ Sơ cấp, Trung cấp hoặc Cao đẳng rồi đến Học viện thì được trang bị đầy đủ về oai nghi, giới hạnh và sự tu tập hơn những vị thi tuyển thẳng vào Học viện Phật giáo.
Giáo dục Phật giáo không chỉ cung cấp cho Tăng Ni hệ thống kiến thức Phật học, thế học mà còn phải quan tâm đến sự tu tập của Tăng Ni theo tinh thần “khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ”nhưng không rời kết quả “an lạc-giải thoát” cho hành giả tu Phật. Có thể nói, hiện nay đa số các trường Phật học chú trọng nhiều đến việc truyền đạt kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tu tập của Tăng Ni. Phần lớn các trường Phật học là nội trú. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp Tăng Ni thực tập, ứng dụng lời Phật dạy để chuyển hóa những khổ đau, sống an vui hạnh phúc, tự tại, tự do giữa cuộc đời đầy cám dỗ. Đào tạo Tăng Ni thật tu, thật học, có phẩm hạnh đạo đức, khi nhập thế sẽ biết sống khép mình theo giới luật, không buông thả, phóng dật và sẽ không vi phạm giới luật Phật chế, không ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Phật giáo.
- Quan tâm về thông tin truyền thông Phật giáo
Xã hội ngày nay, thông tin truyền thông giữ vai trò rất thuận lợi trong việc truyền tải giáo pháp đức Phật, những gương hạnh cao quý của Tăng đoàn và những công tác Phật sự quan trọng của Phật giáo đến với cộng đồng xã hội trong cũng như ngoài nước. Nhưng thông tin truyền thông cũng là con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng tốt thì đem lại hiệu quả thiết thực lãnh đạo phật sự và trong công tác hoằng pháp, bằng ngược lại thì ảnh hưởng không nhỏ đến tiền đồ Phật giáo. Ngày nay hầu hết Tăng Ni đều sử dụng các mạng xã hội như youtube, facebook… để hoằng pháp, thông tin Phật sự…Bên cạnh đó, có nhiều Tăng Ni sử dụng mạng xã hội đăng tải những hình ảnh thiếu oai nghi, thiếu chuẩn mực của người tu sĩ, kể cả những hình ảnh không tốt về Tăng đoàn và còn “tự do ngôn luận” theo ý kiến chủ quan của mình ảnh hưởng nghiêm trọng đến Phật giáo.
Thiết nghĩ Trung ương Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương cần có một quy chế sử dụng mạng xã hội dựa trên cơ sở Luật An ninh mạng để định hướng cho Tăng Ni khi sử dụng và xử lý khi Tăng Ni vi phạm.
- Quản lý Tự viện
Toàn quốc có đến 18.491 tự viện, trong đó còn rất nhiều tự viện chưa có trụ trì. Để phát triển Phật giáo đồng bộ, Giáo hội các cấp xem xét và chọn Tăng Ni tài đức bổ nhiệm trụ trì những cơ sở chưa có trụ trì. Nhưng trên thực tế sự hình thành ngôi chùa ở Việt Nam xuất phát từ quá nhiều nguồn khác nhau. Do đó, liên quan trực tiếp đến: ai sáng lập, đất của ai, tài vật của ai, ai đang trụ trì, ai được toàn quyền quản lý động sản, bất động sản? là những vấn đề GHPGVN còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý điều hành tốt nhất. Theo thiển kiến của chúng tôi GHPGVN chúng ta có Hiến chương, có Nội qui Tăng sự…chúng ta quản lý về pháp nhân và pháp lý đồng thời thực thi theo luật tín ngưỡng tôn giáo, theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành… Thế nên nói cơ sở Phật giáo là tài sản của GHPGVN là chưa trọn vẹn, chưa ổn nếu Nhà nước chưa có giải pháp bảo hộ thiết thực để GHPGVN lãnh đạo điều hành tốt.
Hiện nay, vấn đề tranh chấp, kiện tụng liên quan các tự viện thường có yếu tố như sau:
Thứ nhất là về quyền lợi và đất đai. Tại Long An, còn một số tự viện chưa cấp quyền sử dụng đất mang tên tự viện, do trụ trì hoặc gia tộc không đồng ý hiến đất cho Giáo hội. Cho nên khi vị trụ trì viên tịch hoặc người đại diện gia tộc quản lý qua đời thường xảy ra tranh chấp. Vì thế, các cấp Giáo hội phải phối hợp với chánh quyền xem xét từng trường hợp cụ thể để cấp quyền sử dụng đất cho tự viện.
Thứ hai khi trụ trì viên tịch “bất đắc kỳ tử” chưa chỉ định người kế thừa. Nếu vị trụ trì ấy có nhiều đệ tử thì các đệ tử sẽ tranh chấp chức vị trụ trì gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến Giáo hội. Nếu vị trụ trì không có đệ tử, thì tông phong, hệ phái tự ý cử người về. Hoặc trường hợp không có đệ tử và không thuộc tông phong thì Giáo hội sẽ cử người về quản lý, nhưng nếu cử người về trụ trì mà không hợp với gia tộc, phật tử thì cũng xảy ra tranh chấp bất ổn.
Với những việc xảy ra như trên, để GHPGVN thuận lợi trong việc quản lý Tự viện, bổ nhiệm trụ trì, Tăng Ni, Phật tử theo chúng tôi phía GHPGVN và Nhà nước cần có những trao đổi cần thiết để bổ sung thêm những điều chương vào Luật tín ngưỡng tôn giáo và Hiến chương GHPGVN thể hiện tính bảo hộ của pháp luật và quyền quản lý, lãnh đạo điều hành của GHPGVN.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin trình bày thiển ý của mình đó là trong thế giới duyên sinh, đối đãi mọi sự việc đều có 2 mặt của nó: đúng-sai, tốt-xấu, được-không được, cho phép-không cho phép…Do đó, chúng tôi kiến nghị về phía lãnh đạo điều hành của Nhà nước đối với tôn giáo nên có chế độ đánh giá khen thưởng, khích lệ-chế tài trị phạt, rõ ràng để giúp GHPGVN có thể phối hợp giải quyết những vấn đề tranh chấp “mang tính nội bộ, đồng thời có liên đới trách nhiệm quản lý nhà nước”…
Hiện nay, phía GHPGVN đang cố gắng vận động những cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo (tự viện chưa gia nhập giáo hội) làm mọi thủ tục gia nhập vào Giáo hội để tránh tình trạng lợi dụng hình thức Phật giáo trục lợi, truyền bá tà pháp gây phương hại lợi ích dân tộc. Nhưng cũng đang có hiện tượng một số chùa xin ra khỏi tổ chức GHPGVN vì nhưng lý do bất chính. Chúng tôi kiến nghị phía Nhà nước có giải pháp hỗ trợ Giáo hội không chấp nhận cho ra, trường hợp phía GHPGVN buộc phải cho ra khỏi GHPGVN thì cơ sở đó là nơi thờ tự cá nhân. Giáo hội được quyền lấy bảng hiệu cơ sở đó đến xây dựng nơi khác.
Về vấn đề Tăng Ni tự ý xây dựng am, thất: các cấp Giáo hội cần phối hợp với chánh quyền để xử lý thỏa đáng. Hiện tại, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo chưa có quy định thành lập mới cơ sở tự viện, ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển Phật giáo nơi vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có tự viện. Tuy nhiên, luật cho phép thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Giáo hội nên xem xét và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni “thật tu, thật học” thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung tại những nơi chưa có cơ sở tự viện hoặc những nơi có nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo.
Về vấn đề phát triển số lượng tín đồ: nhiều tôn giáo có mặt tại Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển tín đồ và tìm đủ mọi cách để phát triển số lượng tín đồ. Hiện nay, số lượng tín đồ của Phật giáo có dấu hiệu giảm sút. Theo Thống kê của Nhà nước, số lượng tín đồ của Phật giáo đứng thứ hai tại Việt Nam. Giáo hội cần có kế hoạch cụ thể để phát triển số lượng tín đồ. Động viên, khuyến khích các tự viện trên toàn quốc quan tâm đến việc quy y cho Phật tử, quan tâm đến mọi thành phần, nhiều lớp tuổi trong xã hội. Hằng năm, tự viện nào phát triển số lượng tín đồ nhiều (Giáo hội quy định), các cấp Giáo hội cần phải khen thưởng để khuyến khích.
- Quan tâm về đoàn kết nội bộ Phật giáo
Kinh Đại bát Niết bàn thuộc Trường bộ kinh, Đức Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.
Đoàn kết, hòa hợp là yếu tố làm cho Tăng đoàn cường thịnh, nói rộng ra làm cho Phật pháp hưng thịnh. Chính sự đoàn kết, hòa hợp mà 9 hệ phái Phật giáo thống nhất thành một Giáo hội như hiện nay. Trong xã hội hiện đại, Phật giáo phải đương đầu với nhiều thách thức; đoàn kết, hòa hợp là nhân tố quyết định. “Sư tử trùng thực sư tử nhục” và chỉ có đệ tử Đức Phật làm cho giáo pháp của Ngài suy vi.
Dù là Nam hay Bắc, dù theo bất cứ hệ phái nào, tất cả đều là đệ tử của Đức Phật hãy cùng nhau đoàn kết, “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức” để Phật pháp ngày càng lan tỏa khắp nơi nơi, mang lại giá trị thiết thực cho mọi người. Tục ngữ có câu: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, người đệ tử Phật đang trên đường tu không tránh khỏi những sai sót, lỗi lầm. Nếu có lỗi lầm, sai sót hãy cùng lắng nghe, thấu hiểu, vì tình thương xây dựng, chỉ bảo nhau, không nên sử dụng truyền thông công kích, vùi dập nhau. Những sự việc liên hệ đến Tăng Ni vi phạm giới luật hãy dựa trên tinh thần giới luật Phật chế và trên cơ sở pháp luật hiện hành xử lý cho “có tình có lý”, không nên vì truyền thông đưa tin là thẳng tay trừng phạt. Khi nội bộ Phật giáo đoàn kết, hòa hợp một lòng sẽ vượt qua mọi thách thức, chướng duyên trong thời hiện đại.
Trên đây là những ý kiến mang tính chủ quan của chúng tôi xin trình lên hội nghị nhằm góp phần quản lý Tăng Ni, tự viện trong thời hiện đại. Sau cùng, chúng tôi xin kính Chúc Chư Tôn đức Tăng Ni: an lạc thân tâm và viên thành Phật sự. Kính chúc quý vị khách quý và toàn thể quý đại biểu: vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường.
Hòa thượng Thích Minh Thiện
Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ
Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An
Kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Long An
Hình ảnh Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020 tại chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam: