HOẰNG PHÁP THỜI HIỆN ĐẠI
Tỳ Kheo Thích Minh Thiện.
(Bài giảng Hội thảo Hoằng Pháp tại Thái Nguyên)
Hoằng pháp là bản nguyện thiêng liêng của người đệ tử Phật. Từ sơ khai, Đức Phật đã dạy các đệ tử như thế. Như chúng ta đã biết, sau khi Phật thành đạo, độ Năm anh em Kiều Trần Như, tiếp theo là Yasa và nhóm bạn của Yasa, thánh chúng được 60 vị Tỳ kheo đầu tiên đồng kiết giới an cư nơi vườn lộc uyển. Sau khi pháp yếu đã được truyền trao và nghiệm chứng thì Đức Thế Tôn liền dạy chúng đệ tử: “”Này các Tỳ-kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người. Chớ đi hai người chung đường với nhau” (Mahàvagga I, 11 – Ðại phẩm). Chư tổ thì day: “ Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh thị bản hoài”. Qua đó cho thấy, hoằng pháp là bổn phận thiêng liêng là công đức tu tập của tất cả đệ tử Phật trong mọi thời đại. Nhưng ở mỗi thời đại,điều kiện, phương tiện và giải pháp hoằng pháp có khác nhau để đạt 4 yếu tố quan trọnglà “ khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ”
I. Năm phạm trù hoằng pháp cần lưu ý:
- Tự thân hoằng pháp: là nhiếp hóa chúng sanh bằng hạnh đức của mình qua thân giáo, khẩu giáo, ý giáo đã nghiệm chứng con đường giới-định-tuệ của Phật giáo. Tự thân hoằng pháp cũng là kết quả tuyệt vời của sự phát bồ đề tâm trong tứ chúng đệ tử phật “…tạo pháp thuyền du khổ hải Quan Âm độ tận chúng sanh nguyện; Địa ngục vị không thệ bất thành phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề… hoặc Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập như nhứt chúng sanh vị thành phật chung bất ư thử thủ nê hoàn, đại hùng đại lực, đại từ bi…Như thế mà tự thân hoằng pháp an lạc giải thoát, pháp từ bi, pháp trí tuệ được hiển bày.
- Phương tiện hoằng pháp: Lấy tam tạng giáo điển Phật giáo làm pháp môn phương tiện hoằng pháp, lấy chơn lý Tứ Diệu Đế, lấy pháp Duyên sinh chỉ bày quan điểm Phật giáo để tu tập vô lượng pháp môn công đức an lạc-giải thoát. Phật tổ dạy “ai thấy duyên sinh là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Phật, ai thấy Phật thì có thể tu thành Phật”.
Phương tiện hoằng pháp còn có thể hiểu là những phương cách tiện dụng để chuyển tải phật pháp đến với mọi người, mọi giới, mọi giai tầng xã hội được học hiểu Phật pháp, tin sâu nhân quả trân trọng 4 pháp Tứ Diệu Đế, dùngTứ nhiếp pháp đem đạo vào đời…
- Đối tượng hoằng pháp: người hoằng pháp đem tinh thần, Tứ vô lượng tâm, tứ hoằng thệ nguyện mà độ tận chúng sanh. Thế giới và xã hội ta hiện nay rất cần đem tinh thần Từ bi-Trí tuệ của Phật giáo để xây dựng an vui hạnh phúc-hòa bình hữu nghị-tồn tại lâu dài. Đó mới thật sự là đạo đức là văn minh tiên tiến.
- Môi trường hoằng pháp hay xứ sở hoằng pháp: Khi xưa đức Phật vì muốn chánh pháp được lưu bố khắp nhơn gian mà Ngài đã du hóa khắp bán đảo Ấn Độ, không phân biệt kẻ trí, người ngu, kẻ sang người hèn, vua quan hay thứ dân.. Ngài chủ trương xóa bỏ sự phân biệt giai cấp “không có giai cấp ở những con người máu trong tim cùng đỏ nước mắt cùng mặn như nhau”…Ngài luôn tùy duyên hóa độ: “Nhứt bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vi sanh tử sự, giáo hóa độ xuân thu.” (bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem người thế, mây trắng hỏi đường qua).Thiền sư Nhất Hạnh.
- Kết quả hoằng pháp: giáo pháp của đức Phật là để nghiệm chứng và ngộ nhập tri kiến phật “Kinh Pháp Hoa có dạy: Thế Tôn thị hiện vào cõi đời vì đại sự nhân duyên Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến…”. Phật tổ cũng dạy “Tất cả các pháp đều là Phật Pháp mà con không rõ lại theo dòng vô minh vì thế trong trí Bồ đề mà thấy không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buộc…”. Do đó, hoằng pháp thời hiện đại lại cần phải chú ý nhiều hơn về tính khoa học, tính lợi ích thực tiễn hôm nay và ngày mai cho mình và cho chúng sanh vạn loài. Kết quả hoằng pháp luôn hướng đến xây dựng Chơn-Thiện-Mỹ cho cuộc đời và là sự truyền đăng tục diệm để chánh pháp lâu bền thế gian lợi lạc khắp chúng hữu tình. Hãy hoài niệm tinh thần Phật giáo thời Lý Trần II. Những mô hình hoằng pháp cần phát huy:
1. Hoằng pháp liên kết các chuyên ngành phật giáo: sự thống nhất GHPGVN là sự thành công rất lớn trong truyền thống Phật giáo Việt Nam về việc kế thừa sự nghiệp tiền nhân và phát huy truyền thống Đại đoàn kết dân tộc. Do đó, cần có sự cảm thông là 13 ban ngành viện TW.GHPGVN được phân bố trọng trách chuyên môn hóa trong tổng thể phương hướng truyền bá chánh pháp của GHPGVN theo phương châm “Phụng sự Đạo Pháp-Dân Tộc-Chúng Sanh” và phát huy truyền thống tinh thần “Hộ quốc an dân” của phật giáo Việt Nam.
2. Hoằng pháp tự viện và vai trò hoằng pháp của vị trụ trì: có thể nói hiện nay hơn 15 ngàn cơ sở tự viện Phật giáo, 46 ngàn Tăng ni và ngót nữa dân số cả nước đang thực hiện trọng trách hoằng dương chánh pháp và hộ trì chánh pháp. Những sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống ngày càng được thể hiện tính “Lý sự viên dung để chuyển tải thông điệp từ bi-trí tuệ đến với mọi người”. Cơ sở tự viện như một giáo hội thu nhỏ và Tăng Ni trụ trì như là vị thực thi mọi phật sự chuyên ngành một cách hiệu quả nhất….
3. Cư sĩ phật tử và hoằng pháp viên phật giáo: trong bối cảnh hội nhập toàn cầu những trào lưu văn hóa mới, tôn giáo mới những tôn giáo bạn có tôn chỉ, giáo lý thiên về quốc ngoại có điều kiện phát triển mạnh mẻ hơn trước tại nước ta. Người cư sĩ phật tử hơn bao giờ hết cần hiểu biết nhiều hơn về giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc về truyền thống phật giáo Việt Nam gắn liền với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc để phát nguyện hộ trì và hoằng pháp ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trường hợp. Vậy cư sĩ phật tử hãy Phật hóa gia đình, phật hóa công ty, phật hóa xí nghiệp và cả phật hóa trên mọi lĩnh vực…
III. Những điều cần lưu ý trong hoằng pháp thời hiện đại:
Khế kinh có câu: “Nhẫn nhục đệ nhất đạo, phật thuyết vô vi tối, xuất gia não tha nhơn, bất danh vi sa môn” và sự nghiệp hoằng pháp thiêng liêng bao nhiêu thì gian truân thử thách cũng bấy nhiêu (trích chuyện Ngài Phú Lâu Na đến xứ Du Lo Na khó độ để hoằng pháp). Do đó trong sự nghiệp Hoằng pháp tứ chúng đệ tử phật cần lưu ý những việc sau:
- Hoằng pháp trên cốt lõi Giới-Đinh-Tuệ của chánh pháp…không phân biệt, chỉ trích pháp môn, tông phái Phật giáo “Vô lượng pháp môn tu…”
- Hoằng pháp tùy duyên nhi bất biến-bất biến tùy duyên…Phát huy tính an lạc giải thoát thực tiển cho cộng đồng xã hội “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư phật”.
- Hoằng pháp trong tinh thần lãnh đạo chung của GHPGVN và Hiến pháp, luật pháp nước nhà cho phép…Biết tùy tập quán vùng Miền của các địa phương mà chọn pháp môn thích hợp phổ biến.
- Thời hiện đại phương tiện truyền thông rất tốt cho sự truyền tải chánh pháp và cũng nguy hiểm hơn cho những tà kiến thị phi …Do đó, tứ chúng đệ tử phật cần hết sức cẩn trọng trong ý nghĩa “Tự thân hoằng pháp”, tránh chỉ trích đã phá quan điểm tín ngưỡng khác.
- Tứ chúng đệ tử phật cũng nên khéo léo vận dụng ngũ minh qua kiến thức thời đại để vận dụng làm phương tiện Hoằng pháp lợi sanh cứu nguy cho nhân loại…
- Trong mọi trường hợp xảy ra liên quan ảnh hưởng xấu đến uy tín Phật giáo, uy tín của giáo hội PG, tứ chúng đệ tử Phật nên bảo hộ Tăng thân trước rồi dùng chánh kiến mà giải quyết vấn đề sau.
Trên đây là những gợi ý người viết xin trân trọng gửi đến đại chúng ngành hoằng pháp và xin trích lời Phật dạy để thay lời kết như sau:“Ta sẽ thuyết pháp một cách tuần tự, ta sẽ thuyết pháp với sự thấy hiểu trọn vẹn pháp môn, ta sẽ thuyết pháp với lòng thương yêu, ta sẽ thuyết pháp không vì danh lợi, ta sẽ thuyết pháp không làm thương tổn cho mình và người” (Tăng Chi II, trang 193).
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.
Tỳ Kheo Thích Minh Thiện.