Khi chia sẻ buồn vui với mọi người, bạn cần trang bị thêm cho mình tâm xả.
HỎI: Tôi là một kỹ sư, độc thân, công việc thì tạm ổn. Là Phật tử, tôi nguyện sống tử tế, hài hòa với mọi người trong gia đình, trong cơ quan và bè bạn. Hiện có một điều làm tôi cảm thấy khó xử. Đó là, theo như giáo lý nhà Phật, con người sống trên đời này thì luôn tương duyên với nhau; những suy nghĩ, nói năng và hành động của mình sẽ tác động đến mọi người xung quanh, và ngược lại. Vì vậy, tôi luôn sống tốt với mọi người, mong mọi người xung quanh mình có hạnh phúc, an vui để mình có nhiều cơ hội hơn được an vui, hạnh phúc.
Tuy vậy, trước những niềm vui của người khác tôi cũng khó có thể chia sẻ, vì không biết phải làm như thế nào? Rồi khi có người than thở về những nỗi buồn và sự bất hạnh của họ, nếu nghĩ tới thì tôi cũng bị lây theo cảm xúc đó, kéo theo cảm giác bất an. Nhưng nếu tỏ ra không quan tâm đến nỗi buồn và sự bất hạnh của người thì ngay lập tức tôi có suy nghĩ là mình vô cảm, ác độc với người. Chính những điều này làm cho tôi nhiều trăn trở, day dứt, không được bình yên. Vậy có cách nào vừa quan tâm chia sẻ với mọi người lại vừa bảo hộ được thân tâm của mình an lạc?
(LÊ QUANG HOÀNH, lq.hoanh@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Lê Quang Hoành thân mến!
Đúng như điều bạn đã chiêm nghiệm về Phật pháp, “con người sống trên đời này thì luôn tương duyên với nhau”, nên mình muốn hạnh phúc thì hãy trợ duyên giúp người thiết lập an vui, hạnh phúc.
Không thể có hạnh phúc đích thực nếu tự thân mình chưa hoàn thiện (suy nghĩ, nói năng, hành động chưa thuần thiện – lợi mình, lợi người) và xung quanh có quá nhiều người bất hạnh.
Vì thế, ngoài việc tự kiện toàn nhân cách đạo đức của người Phật tử (giữ năm giới, biết hổ thẹn với những điều sai trái đã làm), sống tử tế và hài hòa với mọi người thì chia sẻ buồn vui với người, khiến mọi người thêm hạnh phúc an vui là điều cần thiết, nên làm.
Khi một người có niềm vui, họ thổ lộ ra, bạn liền khởi tâm tùy hỷ (bày tỏ sự hân hoan, vui với niềm vui của họ). Bạn chỉ cần nở một nụ cười, hân hoan nói xin chúc mừng là đã đủ. Việc này không mất công, nhọc sức, chỉ cần có tấm lòng thật sự sẻ chia, vui với hạnh phúc của người là làm được.
Tuy nhiên, thực tế đời sống thì việc nhỏ này (tùy hỷ) lại không dễ làm. Vì trước thành công hay hạnh phúc của người, trong ta thường dấy lên tâm ganh tỵ nên cố gắng lắm mới nói được lời chúc mừng gượng gạo mà thôi. Bạn đã hiểu về lý Duyên sinh, niềm vui của người luôn tương tức với hạnh phúc của mình, vậy thì phải chuyển hóa ngay tâm ganh tỵ và đố kỵ (nếu có) để thật lòng tùy hỷ.
Ngược lại, khi một người thổ lộ những nỗi khổ niềm đau, bạn nghe mà xót thương, nhói lòng chính là tâm bi hiển lộ. Đừng sợ niềm đau ấy xâm chiếm tâm mình. Hãy lắng nghe họ, chỉ cần lắng nghe một cách chân thành thôi mà không cần làm gì khác (vì rất nhiều việc có thể ngoài khả năng của mình), sau khi lắng nghe, động viên “bạn cố gắng lên nhé” thì thực sự mình đã yêu thương (từ) và đã giúp cho họ bớt khổ rất nhiều (bi).
Có không ít người nghĩ rằng, mình phải có điều kiện thế này thế kia mới có thể thực hành từ bi, giúp người khác bớt khổ. Sự thật không hẳn như vậy, không cần có nhiều điều kiện, chỉ cần có tấm lòng thì mình đã có thể “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”.
Đối với người đang đau khổ, bạn đã biết thực hành từ bi. Đối với người có niềm vui, bạn đã thực tập sẻ chia niềm hoan hỷ. Tuy nhiên, trong quá trình thực tập từ bi và hoan hỷ, có nhiều trường hợp bạn chưa thật thoải mái, lý do là vì bạn chưa tu tập tâm xả.
Xả chính là một trong Bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả). Xả chính là tâm buông bỏ, tự tại, an nhiên, bình thản trước mọi biến động thuận nghịch ở đời. Không luyến ái và cũng không thờ ơ, vô cảm là đặc tính của tâm xả.
Ngay cả khi thực hành tâm từ (yêu thương rộng lớn, hóa giải sân hận), tâm bi (thương xót và cứu giúp chúng sanh, lắng dịu độc ác và bạo tàn), tâm hỷ (mừng vui trước sự thành đạt, hạnh phúc của chúng sanh và loại trừ ganh ghét, đố kỵ) thì tâm ta vẫn còn những xung động vi tế, cần buông xả tất cả.
Vì vậy, khi ứng dụng thực tập chia sẻ buồn vui với mọi người, bạn cần trang bị thêm cho mình tâm xả. Tùy duyên mà làm việc tốt và sống tốt, sau đó là xả buông. Trước những thành bại, được mất, hơn thua, khen chê, vui khổ… ở đời, bạn nên giữ tâm điềm nhiên và bình lặng như mặt đất thì sẽ giúp người và chính mình luôn an lạc.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn